Xử lý cơ quan chức năng nếu lơ là nhiệm vụ
Chiều 28/7, tại họp báo tình hình phòng chống Covid-19 của TP.HCM, Phó Bí thư Phan Văn Mãi hoan nghênh tinh thần chấp hành quy định người dân không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h hôm sau mà Thành ủy, UBND TP.HCM vừa ban hành.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM kêu gọi người dân tiếp tục “chịu khó cùng nhau thực hiện giãn cách xã hội tốt hơn trong thời gian còn lại, để thực hiện được mục tiêu giảm tối thiểu sự tiếp xúc, ngăn đà lây lan của dịch bệnh”.
Chính quyền TP.HCM cũng vừa có văn bản đề nghị các cơ quan Nhà nước, gồm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và cơ quan thuộc thành phố thực hiện nghiêm về quy định giảm công chức, viên chức đi làm ở mức tối thiểu. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức làm việc tại nhà nhằm hạn chế tối đa việc đi ra đường từ 6h đến 18h hàng ngày
Song song đó, các lực lượng chức năng của TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm. Nếu cần thiết sẽ xử lý với cả các cấp, các ngành chức năng, tổ chức cá nhân có trách nhiệm trong đảm bảo giãn cách nhưng chưa thực hiện hết trách nhiệm.
“Thành phố sẽ kiểm tra đến quận, huyện, thậm chí đến cơ sở để chấn chỉnh, uốn nắn với mong muốn làm sao chủ trương này được thực hiện nghiêm trong thời gian tới, để không phí thời gian giãn cách, thực hiện được mục tiêu cắt đường lây dịch bệnh”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Những biện pháp này do chính người dân thành phố đồng lòng, nghiêm túc thực hiện và giám sát. Qua đó, lực lượng chức năng nào chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình, nhóm dân cư nào chưa thực hiện nghiêm thì người dân có thể phản ánh qua tổng đài 1022, qua các đường dây nóng ở từng khu phố, xã, phường để lãnh đạo thành phố tiếp nhận thông tin, xử lý nghiêm với tinh thần thực hiện triệt để giãn cách xã hội.
“Ý thức của người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Chính ý thức này là yếu tố quyết định cho việc giãn cách mang lại kết quả. Cho nên mỗi người dân đều phải chấp hành quy định thật nghiêm túc, ít nhất là đến ngày 1/8”, ông Mãi chỉ ra.
Áp lực của ngành y tế rất lớn
Nhìn nhận nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất hiện nay là công tác điều trị nên lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cho biết, địa phương đang có hơn 70.000 trường hợp F0. Vì đây là con số rất lớn nên ngành y tế phải chuyển chiến lược điều trị. Đối với người có triệu chứng nặng, có bệnh nền thì được tiếp nhận và điều trị ở cơ sở y tế.
Trong khi việc cách ly F0 tại nhà, thực hiện nghiêm hạn chế tiếp xúc, giãn cách, gắn với giám sát, tư vấn y tế, cũng như cơ chế phản ứng nhanh khi có tình huống cấp cứu,… là những việc thành phố đang tập trung thực hiện nhằm giảm tải phần nào đó áp lực lên các khu thu dung, điều trị Covid-19.
Do đó, TP.HCM vừa mới triển khai mạng lưới tư vấn online của cộng đồng giáo sư, bác sĩ trên cả nước với mỗi người phụ trách một số lượng F0 nhất định. Hàng ngày, các chuyên gia y tế sẽ giữ liên lạc để tư vấn, thăm hỏi, xử lý tình huống y tế cho người bệnh. Việc này sẽ được mở rộng để F0 ở nhà hay ở các khu thu dung cũng được tư vấn online, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ…
Đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố đang có chủ trương chia đôi, một phần dùng để điều trị thông thường, một phần điều trị Covid-19. Để làm được mục tiêu đó, thành phố sẽ tăng cường trang thiết bị cho các bệnh viện nhằm “chia áp lực” trong tiếp cận ban đầu đối với bệnh nhân Covid-19 đồng thời huy động các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị bệnh nhân.
Thành phố đã chuyển nhiều bệnh viện dã chiến tham gia vào việc điều trị ở tầng 3 và tầng 4, hạn chế việc tử vong, chuyển nặng. Còn tầng 5 để hồi sức chuyên sâu đang được hoàn thiện với mục tiêu đạt công suất đủ 1.000 giường.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi thẳng thắn: “Áp lực với ngành y tế là rất lớn. Với công suất hiện tại, với lượng bệnh nhân hàng ngày, gần như chúng tôi đã đầy công suất. Có những lúc, có bệnh viện gần như quá tải. Chúng tôi phải cố gắng hơn, rà soát lại làm sao để các tầng được bố trí khoa học hơn, phối hợp nhuần nhuyễn hơn”.
Về việc tiêm vaccine, TP.HCM xác định sẽ phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nên đã đã kiến nghị bộ Y tế đơn giản hoá quy trình, đội hình tiêm vaccine để có nhiều hơn đội hình tổ chức tiêm và mong muốn Trung ương tăng số lượng vaccine cho địa phương.
Trong lúc thực hiện quy định người dân không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h hôm sau, việc tiêm vaccine vẫn sẽ được tiếp tục bằng cách bố trí, sắp xếp cho các đội hình tiêm vaccine được thực hiện sau 18h.
Vừa qua, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia về các kịch bản chống dịch cho địa phương. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị 12 của Thành uỷ, các văn bản của UBND TP.HCM.
“Sau ngày 1/8, thành phố sẽ cần thêm khoảng thời gian để tiếp tục thực hiện biện pháp này. Có thể một tuần, hoặc hai tuần. Đến ngày 1/8, thành phố sẽ đánh giá để có chủ trương, biện pháp cho thời gian tới”, ông Mãi kết luận.
Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật