TpHCM đặt mục tiêu khách du lịch đường thủy đạt 500.000 lượt khách/năm

Tp.HCM đặt mục tiêu số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Theo báo Giao Thông, UBND Tp.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch đường thủy tiến đến khai thác trên toàn tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô.

Tp.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch khác biệt của địa bàn. Đến năm 2025, số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Theo VOV, Tp.HCM sẽ khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đặt mục tiêu đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Số lượng khách quốc tế tàu biển đến thành phố trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách, tăng 12 - 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển trong 2 năm này đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

Thông tin trên Sài Gòn Giải Phóng, UBND Tp.HCM yêu cầu trong giai đoạn 2023-2024 tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có. Trong đó gồm nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km); tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (các tour có bán kính từ 10km đến dưới 60km)… Bên cạnh đó, Tp.HCM cũng tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn Tp.HCM…

Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục phát huy sức hút của khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đối với khách du lịch quốc tế, phát triển các tour về nguồn... Ngoài ra, trong giai đoạn này ngành du lịch lên kế hoạch xây dựng, khai thác các tuyến chuyên đề như chuyên đề lịch sử - về nguồn; chuyên đề phát triển đô thị từ bến Bạch Đằng - cầu Ba Son - Landmark 81 - khu đô thị Vạn Phúc; đồng thời tăng cường các dịch vụ du lịch ven sông; đa dạng dịch vụ giải trí trên các phương tiện thủy…

Mạng lưới giao thông đường thủy Tp.HCM gồm 101 tuyến, tổng chiều dài 913km, trong đó có nhiều loại hình vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.

Với lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, dòng chảy đã tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, Tp.HCM có nhiều tiềm năng khai thác giao thông thủy kết hợp phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.

Hôm 4/8, Tp.HCM khai mạc lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 với chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”. Lễ hội được thực hiện tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tp.HCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch, công nghệ ánh sáng; với sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân.

Qua hơn 300 năm lịch sử Tp.HCM, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp. Điều đó, làm nên đặc trưng riêng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tp.HCM, đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.

Minh Hoa (t/h)