TP.HCM đề nghị hỗ trợ bổ sung 3.000 nhân viên y tế

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng tăng cao, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi bộ Y tế đề xuất tiếp tục hỗ trợ, chi viện 3.000 nhân viên y tế.

Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ UBND TP.HCM cho biết hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng khá cao. TP.HCM vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19. Tuy nhiên, một số bệnh viện, trung tâm hồi sức COVID-19 cần bổ sung nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.

Trước tình hình trên, UBND TP.HCM kiến nghị bộ Y tế xem xét tiếp tục, hỗ trợ bổ sung 3.000 lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Cụ thể, TP.HCM cần bổ sung 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng, trong đó có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức cấp cứu.

Theo VietNamNet, TP.HCM cũng đề xuất bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

tphcm de nghi ho tro bo sung 3000 nhan vien y te

TP.HCM đề nghị chi viện khẩn 3.000 nhân viên y tế trước tình hình số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng tăng cao. Ảnh minh họa: VietNamNet

Liên quan đến việc TP.HCM đề nghị hỗ trợ bổ sung nhân lực y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chính văn phòng sở Y tế TP.HCM cho biết vừa qua, TP đề ra 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron.

Trong đó, giải pháp thứ 8 là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu. Việc kiến nghị bổ sung 3.000 y bác sĩ điều dưỡng nhằm phục vụ hiệu quả giải pháp thứ 8 này.

Bà Mai lý giải khi TP nới lỏng giãn cách, các ngành nghề sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, số ca nhiễm mới tăng lên. Lực lượng lao động tiêm đủ vaccine ít bị ảnh hưởng nhưng nhóm người già, người suy giảm miễn dịch có tỷ lệ tử vong tăng cao, đè nặng áp lực lên hệ thống y tế.

Thêm vào đó, khi cao điểm dịch bệnh, gần như tất cả bệnh viện trong TP đều tập trung điều trị F0. Nhân sự các bệnh viện này được tăng cường cho bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức. Khi các bệnh viện quay trở lại công năng ban đầu, nhân sự cũng cần thu hồi để mở lại các khoa phòng điều trị thông thường.  Do đó, bệnh viện dã chiến tương đối thiếu về nhân sự.

Chính văn phòng sở Y tế TP.HCM cho hay, với lực lượng chi viện 3.000 nhân viên y tế, ước tính chỉ khoảng 1-2 tháng sẽ hoàn thành sứ mệnh giúp TP khống chế được F0, giảm tỷ lệ tử vong.

Được biết, trong ngày 16/12, 2 (tính đến 16h), tổng số ca nhiễm phát hiện bằng RT-PCR tại TP.HCM là 1.175 người. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.065 người. Số xuất viện trong ngày là 1.011. Số ca xuất viện có khuynh hướng cao hơn số ca nhập viện trong một tuần qua.

Hiện, tổng số ca COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 11.574 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 2.806 người. Số ca đang cách ly, điều trị tại nhà là 57.452 người. Như vậy, TP đang có 71.832 bệnh nhân được điều trị, cách ly.

Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 3.153 người, trong đó số ca đang thở máy xâm lấn là 505 người. Số ca tử vong trong ngày là 65 người, trong đó có 9 trường hợp chuyển viện từ các tỉnh thành khác.Trong số 65 ca tử vong nói trên, có 91% số ca kèm bệnh nền, 86% số ca có độ tuổi từ 50 trở lên, không có trường hợp tử vong ở người dưới 18 tuổi và ở phụ nữ mang thai.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 14.881.633 mũi vaccine ngừa COVID-19, bao gồm 7.950.886 mũi 1, 6.897.284 mũi 2, 10.025 mũi bổ sung và 23.438 mũi nhắc lại, trong đó có 1.333.813 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.