Tp.HCM: Giải mã gene bệnh nhân đậu mùa khỉ, lên phương án phòng bệnh

Kết quả giải mã gene bệnh nhân đậu mùa khỉ phát hiện tháng 9/2023 khác với 2 ca bệnh nhập cảnh vào Việt Nam tháng 10/2022.

Khoanh vùng ca mắc bệnh mới

Ngày 3/10, Sở Y tế Tp.HCM đã nhận được kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại Tp.HCM từ Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).

Đây là kết quả giải mã gene của bệnh nhân nam 25 tuổi ở Đồng Nai, nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM ngày 22/9, bệnh phẩm là phết bóng nước được lấy mẫu vào ngày 28/9. Nhóm nghiên cứu đã giải mã bộ gene và phân tích cây phát sinh loài. Kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là virus đậu mùa khỉ thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb.

Như vậy, kiểu gen này giống với các chủng virus đậu mùa khỉ mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, kết quả giải mã gene trên có thể kết luận đây là chủng virus đậu mùa khỉ khác với chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai.

“Với sự đa dạng về di truyền của virus đậu mùa khỉ và việc tiến hành phân tích thêm bộ gene các ca bệnh mới sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của virus gây bệnh, giúp cung cấp những thông tin bổ ích và kịp thời cho chương trình phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ”, trích báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM.

Trong tháng 9/2023, ngành y tế gi nhận thêm 2 ca mắc đậu mùa khỉ. Nam thanh niên 25 tuổi (thường trú Đồng Nai, ở trọ Tp.HCM) và bạn gái 22 tuổi (ngụ Bình Dương) dương tính với đậu mùa khỉ, nhưng đều không đi nước ngoài, không tiếp xúc người nước ngoài trong 21 ngày qua (thời gian ủ bệnh).

Đến ngày 1/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) công bố trường hợp thứ 5 mắc đậu mùa khỉ. Bệnh nhân này ngụ Bình Chánh, đến khám tại Bệnh viện Da liễu Tp.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Tp.HCM, kết quả dương tính với đậu mùa khỉ nên bệnh nhân đang cách ly điều trị từ ngày 29/9.

HCDC điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, thông báo trạm y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Hiện, những người này có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh.

Người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn nhà và các vật dụng cá nhân. Ngành y tế tiếp tục điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Cần chủ động phòng tránh

Th.s, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Tp.HCM đánh giá: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia như hiện nay, nguy cơ bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào và lây lan là hoàn toàn có thể”.

Trong bối cảnh hiện nay, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế. Không phân biệt hay kỳ thị người bị nhiễm để khuyến khích người bệnh có triệu chứng đi khám, không giấu bệnh, từ đó giúp việc kiểm soát bệnh tốt hơn.

Bác sĩ Quang khuyến cáo người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Sức khỏe - Tp.HCM: Giải mã gene bệnh nhân đậu mùa khỉ, lên phương án phòng bệnh

Ngành y tế tăng cường biện pháp tuyên truyền phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Cùng quan điểm, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược Tp.HCM cho rằng, đậu mùa khỉ hoàn toàn có khả năng đang lưu hành ngoài cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh không quá dễ lây lan nên biện pháp phòng ngừa cá nhân có thể mang lại hiệu quả khả quan trong việc phòng chống.

“Xét về mặt dịch tễ học, tôi cho rằng cần động viên người bệnh chủ động khai báo để sớm truy tìm và xác định nguồn lây, từ đó đưa ra các phương án ngăn chặn dịch hiệu quả nhất”, ông Dũng nói.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo cộng đồng không nên hoang mang trước sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ luôn tiềm ẩn, do đó mỗi cá nhân cần chủ động giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, không quan hệ tình dục với người xa lạ, với nhiều người và với người không biết tiền sử bệnh.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm Tp.HCM cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang vi rút từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, cọ sát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da. Đậu mùa khỉ rất dễ lây lan qua quan hệ tình dục, đặc biệt là đối tượng nam giới.

Hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vài tuần. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm miễn dịch khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nặng. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh đậu mùa khỉ không lây nhiễm khi tiếp xúc qua đường hô hấp nên tốc độ và nguy cơ lây nhiễm không đáng lo ngại như Covid-19. Tuy nhiên, cộng đồng không nên chủ quan mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Hiện, Việt Nam chưa có vắc xin và thuốc đặc trị cho đậu mùa khỉ, chỉ có vắc xin bệnh đậu mùa. Bộ Y tế đưa đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.