Ở chợ biến động, siêu thị ổn định
Ngày 11/8, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, giá gạo bán lẻ tại nhiều cửa hàng, đại lý tại Tp.HCM đang nhích tăng liên tục trong cơn sốt giá gạo xuất khẩu tăng.
Nhiều đại lý còn cho biết, giá gạo bán lẻ hiện nay cứ 2 - 3 ngày là tăng, thậm chí mỗi ngày một giá theo hướng hôm sau cao hơn hôm trước.
Tại một cửa hàng bán lẻ gạo trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, gạo thơm Mỹ 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 7/2023. Giá các loại gạo phổ thông cũng nhích tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước.
Khảo sát thêm tại nhiều cửa hàng bán gạo lẻ khác đều thấy giá gạo tăng so với cuối tháng 7. Giá gạo thơm lài 23.500 - 24.000 đồng/kg, gạo thơm Thái 25.000 - 26.000 đồng/kg, gạo thơm lài Campuchia 27.000 - 28.000 đồng/kg, gạo Tài nguyên Chợ Đào giá 22.000 đồng/kg, gạo thơm Nhật giá 21.000 đồng/kg, gạo tấm Thơm giá 17.000 đồng/kg… Mức tăng phổ biến là 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Một đại lý gạo tại quận 3 cho biết, trong 10 ngày trở lại đây, giá gạo tăng thấy rõ tại các cửa hàng bán lẻ, đại lý. Gạo phân khúc 12.000 - 18.000 đồng/kg tăng từ 20-30%.
Các loại gạo thơm trung và cao cấp phân khúc 20.000 đồng/kg trở lên tăng ít hơn, tăng từ 10- 15% nên “ngày nào nhiều đại lý gạo cũng đều cắm bảng giá mới”.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị tại Tp.HCM như Saigon Co.op, Big C, Go!, MM Mega Market, Lotte Mart thì giá gạo vẫn đang được bán bình ổn, giữ ổn định.
Thậm chí, một số loại gạo được áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá 10-20% so với giá niêm yết. Gạo thơm Đài Loan có giá 128.700 đồng/5 kg, gạo thơm làng ta có giá 114.200 đồng/5 kg.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart cho biết, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn ổn định.
Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá để chia sẻ cùng người tiêu dùng.
“Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì Saigon Co.op có kinh nghiệm nhiều năm bình ổn giá cả, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo”, ông Thắng nói.
Chủ động đảm bảo nguồn cung
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, bên cạnh thị trường châu Á, các thị trường từ châu Âu, châu Phi… đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
“Lượng lúa về trong vụ Hè Thu và Thu Đông trong vùng nguyên liệu của đơn vị đã gia công, hợp tác với bà con nông dân để canh và sẵn sàng để thu hoạch. Lượng tồn kho của công ty là 22.000 tấn gạo và có hợp đồng để sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 11”, ông Thuận cho hay
Còn ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, trong thời điểm giá gạo toàn cầu đang có xu hướng “nhảy múa” như hiện nay, các doanh nghiệp rất thận trọng trong việc ký kết hợp đồng mới.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Bình cho biết, khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng cao, thậm chí giá lúa còn tăng nhanh hơn giá xuất khẩu.
Hiện giá lúa đang mua bình quân 7.000 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi. Trong khi đó, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam dù đã tăng mạnh nhưng chỉ ở mức dưới 600 USD.
Do đó, phía Công ty Trung An chưa ký kết thêm hợp đồng mới mà chủ yếu đang tập trung vào các hợp đồng cũ đã được ký kết trước đó, đồng thời tập trung thu mua lúa theo cam kết với người nông dân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM khẳng định, Sở này đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng với mục đích cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn.
Trong khi đó, ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương chỉ ra, các doanh nghiệp bình ổn thị trường hiện chưa có đề xuất tăng giá gạo, vẫn đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng gạo không để thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn Tp.HCM.
“Chúng tôi theo dõi sát diễn biến thị trường nếu có hiện tượng găm hàng, sốt giá cục bộ thì sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, điều động những doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp lớn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân”, ông Hồng Y nói.
Sở Công Thương Tp.HCM mới đây có văn bản gửi UBND các quận, huyện, Tp.Thủ Đức, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, doanh nghiệp bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối hiện đại về việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng gạo.
Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định... trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng gạo chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.
PV