Thị trường thép "ảm đạm": Ngành thép chưa thể khởi sắc

Từ tháng 4/2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp 15 lần. Theo đó, giá thép của nhiều thương hiệu đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Giá thép trong nước giảm giá lần thứ 15

Thời gian qua thị trường thép trong nước được nhận định tiếp tục khó khăn trong ngắn hạn. Hiện tại, ở các tỉnh phía Bắc đang là mùa mưa - mùa thấp điểm của xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thép. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong thời gian tới.

Theo báo Công Thương, sau 15 phiên giảm, giá thép hôm nay (7/8) cụ thể như sau:

Giá thép tại miền Bắc: Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát, với thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục giảm 100 đồng xuống còn 14.140 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.040 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Ý, với thép cuộn CB240 có giá 13.740 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.890 đồng/kg - giảm 100 đồng.

Thép Việt Đức không có biến động, với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.090 đồng/kg; thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg.

Thép Việt Sing đồng loạt hạ giá bán, với thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, xuống mức 13.600 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 sau khi giảm 110 đồng, hiện còn 13.800 đồng/kg.

Thép VAS lần lượt giảm 300 đồng và 200 đồng, tương ứng với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.500 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.600 đồng/kg.

Thép Việt Nhật, với thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng có giá 13.700 đồng/kg; còn dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.800 đồng/kg.

Giá thép tại miền Trung: Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng từ mức giá 14.090 đồng/kg xuống còn 13.990 đồng/kg.

Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, có giá 14.340 đồng/kg.

Thép VAS đồng loạt giảm, hiện thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.650 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.600 đồng/kg.

Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.590 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.690 đồng/kg - giảm 100 đồng.

Giá thép tại miền Nam: Thép Hòa Phát, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, hiện có giá 14.090 đồng/kg; thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg.

Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.700 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, có giá 13.700 đồng/kg.

Thép Pomina không thay đổi, dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.480 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.890 đồng/kg.

Kinh tế vĩ mô - Thị trường thép 'ảm đạm': Ngành thép chưa thể khởi sắc

Giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ chậm. Ảnh minh họa.

Vì sao giá thép xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm nay?

Theo thông tin trên báo Chính Phủ, từ tháng 4/2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp 15 lần với mức giảm khoảng 3 triệu đồng/tấn. Giá thép của nhiều thương hiệu lớn đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Hiện giá thép dao động ở mức 13-14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoei, Pomina...

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hiện các dự án dân dụng khởi công ít, dự án cao tốc không đủ tạo cú hích cho thị trường. Khối xây dựng tư nhân cũng tạm thời đang chờ đợi thêm những tín hiệu khác trước khi xuống tiền. Mặt khác, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

Trước thực trạng này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề nghị Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền về các kiến nghị của Hiệp hội, xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Theo các chuyên gia ngành thép, chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, ngành thép đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất, trong đó có phòng vệ thuế quan (chống bán phá giá, chống trợ cấp) và phi thuế quan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, cần có thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu thị trường… nhằm tăng sức cạnh tranh cho thép Việt.

Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Ngành thép đang cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là thách thức lớn. Mặc dù vậy, ngành này đang có động lực phía trước để đẩy mạnh bán hàng cả trong và ngoài nước.

Theo Kinh tế  & Đô thị, nhìn nhận về ngành thép, theo đại diện Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam đánh giá, theo chiều hướng tích cực, việc sắt thép duy trì ở mặt bằng giá thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xây dựng nâng cao biên lợi nhuận trước thuế. Đồng thời tích lũy hàng tồn kho giá rẻ trước khi bước sang mùa tiêu thụ cao điểm hơn, dự báo sẽ vào giai đoạn cuối năm.

Sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Theo các chuyên gia trong ngành đều nhận định, tình trạng sụt giảm sản xuất và tiêu thụ đến từ các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước - nơi tiêu thụ khoảng 60% lượng sắt thép, hầu như bị đóng băng. Các dự án dở dang thì không tiếp tục hoàn thiện, dự án mới không triển khai thêm. Cùng với đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN cũng khiến DN ngành bất động sản khó tiếp cận vốn, dẫn đến khó triển khai được các dự án. Khó khăn về tài chính, quy định siết chặt thị trường bất động sản sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều ngành khác, trong đó có vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, DN trông chờ vào các dự án đầu tư công khi mới đây, 8 hội, hiệp hội vật liệu xây dựng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023.

Đồng thời chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để người dân được vay vốn kịp thời. Cùng với đó, giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.

Trúc Chi (t/h)