Tp.HCM: Hàng chục trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề y, dược giả

Sở Y tế Tp.HCM cho biết, thời gian từ 2022-2023, tại Tp.HCM phát hiện 25 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh giả và đã chuyển cho công an điều tra, xử lý.

Phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giả

Theo đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, chỉ riêng trong 02 năm 2022 và 2023, Sở Y tế đã phát hiện 25 trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giả qua đăng ký hành nghề (03 trường hợp), qua xác minh hành nghề theo yêu cầu của Sở Y tế các tỉnh, thành (14 trường hợp), qua yêu cầu xác minh từ văn phòng công chứng (01 trường hợp) và qua phản ánh của người dân (07 trường hợp).

Tất cả các trường hợp phát hiện đã được Sở Y tế chuyển đến cơ quan Công an để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hiện tượng hành nghề không có giấy phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn Thành phố, cụ thể như trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 21 cơ sở nha khoa hành nghề trái phép hoặc vi phạm các quy định về hành nghề. 

Đối với các nhà thuốc tư nhân, Sở Y tế đã xử lý 45 cơ sở với nhiều hành vi vi phạm khác nhau, trong đó có hành vi vắng mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian hoạt động của nhà thuốc, tuy nhiên Thanh tra chưa đủ cơ sở để xác lập hành vi vi phạm về thuê, mượn chứng chỉ hành nghề y, dược.

Sức khỏe - Tp.HCM: Hàng chục trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề y, dược giả

Chứng chỉ hành nghề Y dược được quảng cáo mua bán, cho thuê trà lan. (Ảnh: SYT)

Cần các giải pháp mang tính chủ động, đồng bộ

Hiện nay, trên địa bàn Tp.HCM có hơn 1.800 phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, trên 7.000 nhà thuốc,… Việc kiểm tra tuân thủ các quy định pháp luật trong hành nghề y, dược tư nhân thuộc trách nhiệm của các Phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Thanh tra Sở Y tế. Những hành vi vi phạm pháp luật thời gian qua từ vấn đề này, cho thấy cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý hành nghề trên địa bàn và rất cần có thêm các cơ chế chính sách và giải pháp mang tính chủ động, quyết liệt hơn nữa.

Trong thời gian qua, Sở Y tế Tp.HCM đã nỗ lực chuyển đổi số trong công tác cung ứng thủ tục hành chính công, hình thành kho dữ liệu chứng chỉ hành nghề y, dược, xây dựng quy trình nội bộ giúp phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề y, dược giả để đăng ký hành nghề.

Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này vẫn còn hạn chế nếu các Sở Y tế thuộc các tỉnh, thành không cùng triển khai. Sở Y tế Tp.HCM đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khi cần xác minh các chứng chỉ hành nghề y, dược do Sở Y tế Tp.HCM cấp, có thể truy cập trang web thongtin.medinet.org.vn và tracuuduoc.khambenh.gov.vn. 

Sở Y tế Tp.HCM cho biết, tới đây, sẽ phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp quản lý hành nghề y, dược nhằm sớm chấm dứt tình trạng sử dụng chứng chỉ hành nghề giả từ địa phương này sang địa phương khác để đăng ký hành nghề.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, hiện tượng quảng cáo mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông vẫn còn là một thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương. Để ngăn chặn hiện tượng này, rất cần các giải pháp mang tính chủ động, đồng bộ với sự phối hợp liên ngành giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi chờ các giải pháp mang tính đồng bộ, Sở Y tế kêu gọi người dân tiếp tục phản ánh trực tiếp và kịp thời về Thanh tra Sở Y tế qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế 0989.401.155 khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược. Sở Y tế ghi nhận và trân trọng, mong tiếp tục nhận được các phản ánh từ các cơ quan báo, đài về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược trên địa bàn Thành phố.