Tình huống bạn đọc N.V.A..: “Tôi và anh họ lớn lên với nhau, chơi thân từ nhỏ, giai đoạn dịch Covid tôi cần tiền gấp để đầu tư một dự án nên đã nhờ anh ấy giúp đỡ. Ban đầu tôi chỉ vay 100 triệu, nhưng sau đó vì muốn đầu tư tiếp, tôi đã thuyết phục anh ấy chuyển thêm tiền nhiều lần, tổng cộng tới hơn 500 triệu đồng.
Tôi hứa hẹn với anh ấy rằng khi dự án thành công sẽ trả lại cả vốn lẫn lời. Nhưng mà xui quá, đợt ấy làm ăn thất bát nên không trả nổi, tôi cũng dần dần né tránh anh ấy. Anh ấy nhiều lần gọi điện, nhắn tin nhưng tôi sợ nên không trả lời. Vừa qua anh ấy đã gọi điện báo công an nên cơ quan chức năng đã gọi tôi lên đồn làm việc.
Hôm qua tôi đã trả lại toàn bộ số tiền cho anh họ, tôi biết rằng hành vi của mình là sai và có thể phải đối mặt với pháp luật. Tôi rất lo sợ về mức án mà mình có thể phải nhận. Luật sư cho tôi hỏi, liệu việc tôi đã trả lại tiền có thể giúp giảm án không? Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn làm sao để tôi được giảm nhẹ hình phạt. Tôi thực sự rất hối hận về những gì mình đã làm.”
Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ phúc đáp bạn đọc:
Từ lời kể của anh A. cho thấy, hành vi của anh đã có dấu hiệu rõ ràng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dựa vào Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng thuộc trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc thậm chí tù chung thân.
Tuy nhiên, có một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt giúp anh A. có thể được xem xét giảm nhẹ như sau:
Thứ nhất, việc anh A. đã tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền cho nạn nhân là một điểm quan trọng. Đây là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử. Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có hành vi khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại hoặc tự nguyện trả lại tài sản sẽ được xem xét giảm nhẹ mức án.
Thứ hai, khi anh A. thừa nhận hành vi đã chứng tỏ sự ăn năn và hợp tác với cơ quan điều tra cũng là yếu tố giúp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thái độ tích cực này có thể giúp anh nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Thứ ba, anh A. và anh họ có mối quan hệ gia đình gần gũi, nếu như anh họ bày tỏ sự thông cảm, yêu cầu bãi nại hoặc xin giảm nhẹ hình phạt sẽ giúp ích rất nhiều cho anh trong quá trình xét xử.
Vì thế, trước hết bạn đọc phải bình tĩnh, khi cơ quan chức năng tiếp tục triệu tập điều tra, anh A. cần hết sức phối hợp; tại cơ quan điều tra cần trình bày rõ ràng về hoàn cảnh cá nhân, khó khăn về tài chính dẫn đến hành vi vi phạm, đồng thời tiếp tục bày tỏ, thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi. Bên cạnh đó, luật sư/ người đại diện pháp luật sẽ đồng hành cùng anh trong suốt quá trình tố tụng, đồng thời thương lượng với anh họ để xin được bãi nại hoặc giảm nhẹ mức độ yêu cầu xử lý hình sự.
“Trong trường hợp của bạn đọc A., việc đã trả lại tài sản, thái độ hối cải, sự hợp tác và sự tha thứ của người anh họ (nếu được) có thể giúp bị can giảm nhẹ mức án. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Tòa án sau khi xem xét toàn bộ tình tiết của vụ án” - luật sư Phùng Huyền nhấn mạnh.
Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680
Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com