Tráo đổi người cách ly, trốn cách ly Covid-19 bị xử lý như thế nào?

Hành vi tráo đổi người khác đi cách ly thay, trốn tránh việc cách ly có thể bị xử phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Trong khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, một số người đã trốn trách cách ly hay để người khác đi cách ly thay mình khiến dư luận phẫn nộ.

Trước sự việc, trao đổi với Pv báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP luật sư Chính Pháp) cho biết, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

"Người ta có thể làm giả, đánh tráo nhiều thứ để cầu lợi, cầu danh bất chấp thể diện, đạo đức... nhưng nếu làm giả, đánh tráo người cách ly y tế thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu nhiều người thực hiện hành vi như thế này trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát như hiện nay thì nguy cơ “vỡ trận” là rất cao, có thể anh hưởng đến tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc chứ không chỉ là đơn giản là chuyện gian dối, khôn lỏi trong đời sống thường ngày", luật sư Cường cho hay.

Theo luật sư Cường, hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn cách ly. Ảnh minh họa.
Theo luật sư Cường, hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn cách ly. Ảnh minh họa.

Theo luật sư Cường, hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn tránh cách ly, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có thể đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật. 

Ngoài ra, nếu người trốn tránh cách ly mà nhiễm bệnh covid-19, biết việc trốn tránh cách ly có thể làm lây lan dịch bệnh nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả bệnh dịch truyền nhiễm lây truyền sang người khác có thể xảy ra thì người trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 bộ luật hình sự năm 2015 với mức xử phạt có thể lên đến 12 năm tù.

Với người chấp nhận thay thế người khác để thực hiện thủ tục cách ly thì đây là hành vi hết sức nguy hiểm, người này hoàn toàn có thể lây nhiễm chéo từ những người khác và sau đó có thể nguy cơ lây lan sang những người thân, người khác sau thời điểm kết thúc cách ly: Ví dụ khi vào khu cách ly, (nơi có nguy cơ nhiễm bệnh, nơi có thể có mầm bệnh...) thì vài ngày sau người này mới bị nhiễm virut, đang thời kỳ ủ bệnh, khi đó đã hết thời gian cách ly và người này được trở về nhà, khi đó người này có thể mang mầm bệnh và lây bệnh cho người khác. Bởi vậy nếu sau thời điểm cách ly, người này mắc bệnh và làm lây truyền bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì người này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự.

Ngoài ra, nếu người được thay thế bị nhiễm bệnh và lây lan dịch bệnh cho người khác thì người này (người cách ly thay) cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người được thay thế về tội danh theo điều 240 bộ luật hình sự.

Còn trường hợp cả hai người sau thời điểm cách ly đều không nhiễm bệnh, không lây truyền dịch bệnh cho người khác thì cả hai người này đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 10, Nghị định 176 về hành vi trốn tránh cách ly và hành vi khai báo gian dối về dịch bệnh với mức xử phạt đến 10.000.000 đồng...

Tuy nhiên về mặt đạo đức thì dù không gây hậu quả nghiêm trọng, không làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19 thì hành vi này cũng rất đáng lên án. Nếu nhiều hành vi như thế này diễn ra thì xã hội sẽ loạn, không thể kiểm soát được dịch bệnh bởi vậy đây là hành vi hết sức nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như thế này. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

Đồng quan điểm, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN) cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, tiếp đó Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Rõ ràng, tính chất và mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu. Theo điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Do vậy, ngoài những quyền và nghĩa vụ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút Covid-19 còn chịu điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. 

Luật sư Lê Cao.
Luật sư Lê Cao.

Theo đó, ngoài các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ khi khám chữa bệnh, người bị nghi nhiễm vi rút Covid-19 còn có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, theo đó:

“Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.”

Cũng theo Điều 2, Luật này thì việc “Cách ly y tế” được định nghĩa là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Việc cách ly được thực hiện chi tiết theo Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.

Do đó, luật quy định rõ ràng vấn đề cách ly y tế, việc cách ly trong những thời điểm này với những người bị nghi ngờ bị lây nhiễm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kêu gọi tự nguyện, không phải chỉ là chuyện tự ý thức mà đó là nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật định quy định. Nhiều người nhầm lẫn rằng, mới nghi ngờ, chưa có kết luận nhiễm bệnh thì không bị bắt buộc cách ly là không đúng. Việc người dân trốn tránh, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tùy từng trường hợp, chứ không chỉ là câu chuyện về ý thức chung chung.

Về trách nhiệm, chế tài đối với việc chống đối áp dụng việc cách ly, trốn tránh thực hiện cách ly thì theo quy định hiện hành tại khoản 2, Điều 10, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế cách ly.

Đối với hành vi tráo đổi người khác đi cách ly thay, trốn tránh việc cách ly theo yêu cầu rõ ràng thuộc trường hợp bị xử lý hành chính theo Nghị định 176 quy định nêu trên.

Cũng theo luật sư Lê Cao, trong trường hợp nếu trốn tránh cách ly, biết mình có bị nhiễm bệnh nhưng vẫn bằng các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Theo đó người vi phạm tùy theo mức độ có thể bị xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 

Luật sư Cao cho rằng, nếu việc từ chối cách ly mà không dẫn đến việc làm lây nhiễm bệnh thì có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên nếu trốn tránh cách ly mà từ đó làm lây lan, truyền nhiễm bệnh thì có thể còn bị xử lý hình sự rất nặng nề, và mọi người cần nghiêm túc, có ý thức chấp hành pháp luật để góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh, vừa tránh những rủi ro pháp lý cho bản thân mình.

 

Hoàng Yên