Duyên nợ vợ chồng theo Phật giáo
Ảnh minh họa
Theo Phật giáo giảng, để có thể trở thành vợ chồng kiếp này của nhau, cả hai đều phải có duyên tiền định, tức là có mối quan hệ nhân duyên từ các đời trước trong sự tái sinh luân hồi của con người.
Duyên nợ vợ chồng kiếp này có được nhờ mối quan hệ nhân quả từ các đời trước mang đến cho đời này.
Trong đạo Phật thì các kiếp trước và kiếp này là một chuỗi thời gian có liên hệ đến nhau, đó là sự hoán đổi liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới khác đi kèm với đức và nghiệp của mỗi người. Điều này được giải thích từ việc con người ta sinh ra ai cũng mang theo một lượng đức và nghiệp nhất định, lượng đức và nghiệp này được tích lại do những hành động của mỗi người trong các đời trước.
Nếu lượng đức của bạn lớn và lượng nghiệp của bạn ít thì đời này bạn có thể có một cuộc sống tương đối hạnh phúc và ngược lại, nếu đức của bạn ít và lượng nghiệp của bạn nhiều thì bạn sẽ gặp khó khăn, khó khăn đến từ công việc, từ sức khỏe hay từ mối quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, con cái và các mối quan hệ xã hội khác.
Nếu vợ chồng bạn sống bình yên bên nhau, hẳn là các kiếp trước hai bạn có thiện duyên với nhau, người này đã làm những việc tốt cho người kia và ngược lại. Nếu vợ chồng bạn đời này thường xuyên xung đột với nhau, người chồng hay lấn át, bắt nạt vợ hoặc ngược lại, thì đó là do trong kiếp trước một trong hai bạn đã gây ác duyên với người kia, và đến kiếp này thì hoán đổi lại.
Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây để hiểu hơn về đạo nghĩa vợ chồng theo lời dạy của Phật
Ảnh minh họa
Chuyện kể rằng, ngày xưa trên miếu Quan Âm có một con nhện chăng tơ. Trải qua nghìn năm sống trong nhang khói và những lời kinh kệ, nó dần có Phật tính. Một hôm, Phật đến hỏi nhện rằng: “Cuộc đời này, cái gì là đáng quý nhất?
Ngươi tu tập đã ngàn năm, vậy đã ngộ ra điều này hay chưa?” Nhện trả lời: “Thế gian quý giá nhất là cái không có được và cái đã mất đi”. Phật bảo rằng câu trả lời chưa đúng. Qua nghìn năm sau, Phật lại hiện lên hỏi nhện câu hỏi xưa, câu trả lời vẫn như xưa. Qua nghìn năm sau nữa, câu trả lời vẫn như thế.
Vì sao mà qua bao nhiêu nghìn năm, câu trả lời của nhện vẫn là như thế? Bởi trong suốt mấy nghìn năm đó, nó đã nhìn ngắm đến si mê một hạt sương long lanh trên cỏ, nhưng rồi chỉ một cơn gió lớn là cuốn hạt sương bay đi. Cảm giác mất mát trong lòng, nhện đinh ninh rằng thế gian này, điều quý giá nhất chính là những gì không có được và những gì đã mất đi.
Phật liền cho nhện đầu thai làm người để chiêm nghiệm quá trình tu luyện của mình. Nhện đầu thai thành nàng Châu Nhi đài các, con một viên quan chức lớn trong triều. Khi nàng 16 tuổi, lúc này trạng nguyên Cam Lộc đỗ đầu, nhà vua quyết định mở yến tiệc.
Trong lòng Châu Nhi vô cùng mừng rỡ vì biết rằng chàng chính là mối nhân duyên mà Phật đưa đến cho mình. Thế nhưng sự thật lại vô cùng oái ăm, Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi lại được chỉ định với thái tử Chi Phụ. Quá đau lòng vì mối nhân duyên đổ vỡ mà mình đã nuôi giữ bao nhiêu năm trời, Châu Nhi ốm nặng.
Chi Phụ thấy nàng sắp chết, cũng đến phủ phục mà có ý định quyên sinh.Lúc nàng đang trên ranh giới giữa sống và chết, Phật lại hiện ra và giải thích cho Châu Nhi về nhân duyên trong đời. Cam Lộ chính là hạt sương năm xưa, bị cơn gió đưa đến và cuốn đi chính là công chúa Trường Phong, mãi mãi hạt sương thuộc về cơn gió.
Còn Châu Nhi ư, cây cổ thụ nàng nương náu mấy nghìn năm trong kiếp nhện mới chính là nhân duyên của nàng. Người đó chính là thái tử Chi Phụ vậy.Giải thích cho Châu Nhi xong, Phật hỏi: Thế thì ở đời, cái gì mới là thứ quý nhất hả nhện con.
Nhện như bừng tỉnh: Thưa Phật, thứ quý nhất không phải là thứ không có được hay thứ đã mất đi, mà nó chính là thứ hạnh phúc hiện có trong hiện tại.Nói theo đạo Phật, vợ chồng là do duyên số, có nghiệp, có nợ với nhau, chứ không phải khi không mà lấy nhau được. Phần lớn là do duyên số quyết định.
Tuy nhiên, nếu chỉ đổ thừa cho duyên số thì không thực tế . Chúng ta phải chọn lựa, mà trong sự chọn lựa của chúng ta có nghiệp, có nhân quả chi phối bên trong.Tuy nhiên sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về phước. Hễ có phước thì chọn đúng, không có phước thì sẽ chọn sai./.
Trúc Chi t/h