Trường hợp nào tài xế bị xử phạt vi phạm giao thông ở mức kịch khung?

Khi nào tài xế bị phạt ở mức kịch khung? Mức phạt vi phạm giao thông cao nhất mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp là bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền ở mức kịch khung nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên.

Theo đó, nếu có 2 trong số 12 tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tài xế vi phạm sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất của khung tiền phạt.

STT

Các tình tiết tăng nặng

1

Vi phạm hành chính có tổ chức

2

Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm

3

Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm

4

Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm

5

Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm có tính chất côn đồ

6

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm

7

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm

8

Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính

9

Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó

10

Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính

11

Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn

12

Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai

Lưu ý, nếu vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì tổ chức, cá nhân sẽ được giảm trừ 1 tình tiết giảm nhẹ cho 1 tình tiết tăng nặng.

Còn đối với những vi phạm hành chính thông thường mà không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ thì mức tiền phạt được xác định bằng mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

Mức phạt vi phạm giao thông cao nhất hiện nay là bao nhiêu?

Theo khoản 1, 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực giao thông được quy định như sau: Mức phạt vi phạm giao thông cao nhất đối với cá nhân là 75 triệu đồng; Mức phạt vi phạm giao thông cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tại Điều 75, Điều 76 và Điều 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), chỉ những người sau đây mới có thẩm quyền xử phạt giao thông đến mức tối đa:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

- Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Như vậy, theo quy định nêu trên, mức phạt vi phạm giao thông cao nhất đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Những lỗi vi phạm giao thông nào bị phạt tiền ở mức tối đa?

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất nếu mắc một trong các lỗi sau đây:

Người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi chở vượt quá số người được phép chở của phương tiện (theo khoản 2 Điều 23).

Người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km thực hiện hành vi chở vượt quá số người được phép chở của phương tiện (theo khoản 4 Điều 23).

Xử phạt chủ phương tiện thực hiện hành vi chở vượt quá số người được phép chở của phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện mà giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi chở vượt quá số người quy định (khoản 3 điều 30)

Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện mà giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km thực hiện hành vi chở vượt quá số người quy định (theo khoản 6 Điều 30).

Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện mà giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng (theo khoản 14 Điều 30).

Tuệ Minh/Người đưa tin