Truy tố cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Trần Thị Bình Minh

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty AIC, bà Trần Thị Bình Minh - cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP.HCM bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Ngày 24/5, báo Tuổi trẻ đưa tin, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trần Thị Bình Minh, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong vụ án liên quan chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Cấp dưới của bà Minh, ông Phan Tất Thắng (cựu phó phòng kinh tế) cũng bị truy tố cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Truy tố cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Trần Thị Bình Minh. Ảnh: Tạp chí đầu tư tài chính.

Truy tố cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Trần Thị Bình Minh. Ảnh: Tạp chí đầu tư tài chính.

Cùng vụ án VNSND tối cao cũng truy tố ba lãnh đạo của Công ty AIC hiện đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) và Trần Đăng Tấn (trưởng văn phòng AIC tại TP.HCM).

Ngoài ra, cơ quan giữ quyền công tố còn đề nghị truy tố 9 người khác, trong đó riêng ông Dương Hoa Xô (giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) bị truy tố tội nhận hối lộ, với 6 lần nhận "quà cám ơn" 14,4 tỷ đồng từ bà Nhàn AIC.

Như đã đưa tin về vụ án, theo cáo trạng, năm 2014, Trung tâm CNSH được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn một trị giá 149 tỷ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỷ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỷ đồng.

Biết Trung tâm CNSH đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, bà Nhàn đã tiếp cận, làm quen và đề nghị Dương Hoa Xô (Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) cho Công ty AIC tham gia, tạo điều kiện để doanh nghiệp này trúng thầu, và xây dựng mức giá để AIC hưởng lợi 40% giá trị gói thầu. Với lời đề nghị này, ông Dương Hoa Xô đã chấp thuận.

Cụ thể, khi triển khai giai đoạn một năm 2015 gồm 4 gói thầu, Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với ông Xô cho Công ty AIC xây dựng lại danh mục thiết bị để đảm bảo lợi nhuận cho công ty này 40% giá trị mỗi gói thầu. Sau đó, ông Xô thuê công ty định giá, yêu cầu ra chứng thư định giá các thiết bị cần mua với 169 tỷ đồng, trong khi dự kiến ban đầu là 149 tỷ đồng.

Để thuận lợi trong việc nhận dự án, bị can Nhàn làm quen với bị can Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM). Từ tháng 3/2016, khi được giao phụ trách dự án 12 phòng thí nghiệm tại Trung tâm CNSH TPHCM, bà Minh nhiều lần gặp ông Dương Hoa Xô. 

Ngày 22/11/2017, bị can Xô ký Tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất điều chỉnh danh mục thiết bị và thời gian thực hiện giai đoạn 2 và 3 dự án. Theo đó, giá trị thiết bị toàn dự án tăng từ 425 tỷ đồng lên gần 469 tỷ đồng. Khi tiếp nhận tờ trình, bị can Minh chỉ đạo cấp dưới thực hiện, đồng thời, ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư 12 phòng thí nghiệm và giá trang thiết bị tăng gần 44 tỷ đồng như đề xuất. Kết quả đấu thầu, Công ty AIC và các công ty được Công ty AIC chỉ định đứng tên thay cho Công ty AIC trúng 6 gói thầu, tổng trị giá 305,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần công nghệ cao Gene Việt trúng 2 gói thầu trị giá 102 tỷ đồng.

Còn lại các công ty khác, gồm: Công ty TNHH B.C.E Việt Nam trúng 1 gói thầu trị giá 51,86 tỷ đồng đã thanh toán 51,7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV ứng dụng và phát triển công nghệ NEAD trúng 1 gói thầu trị giá 8,7 tỷ đồng. Tổng thiệt hại mà các bị can gây ra là hơn 94 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ông Dương Hoa Xô đã 6 lần nhận "tiền cảm ơn", tổng 14,4 tỷ đồng từ AIC, do giúp doanh nghiệp này trúng thầu thực hiện Dự án; bà Trần Thị Bình Minh hưởng lợi 1,9 tỷ đồng. Trong vụ án trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị can khác đang bỏ trốn. VKSND Tối cao kêu gọi các bị can này sớm ra đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền bào chữa. Nếu tiếp tục bỏ trốn, VKSND Tối cao coi đó là từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố xét xử theo quy định của pháp luật.