Mới đây, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2021.
Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng lương hưu
Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi 1 điều kiện hưởng lương hưu là việc xác định thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
Trong đó, quy định về việc xác định thời gian làm việc đối với người lao động đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc đang làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Cụ thể, thời gian người lao động phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (được người sử dụng lao động nơi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả đủ tiền lương và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội) thì được tính.
Thời gian người lao động được cử làm việc, đi học, hợp tác lao động mà không làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 thì không được tính.
Thời gian người lao động đóng một lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu thì không được tính.
Khi xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đối với giai đoạn trước ngày 1/1/1995 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí thì căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của liên bộ Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban dân tộc.
Đối với địa bàn mà Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT không quy định hoặc quy định hệ số phụ cấp khu vực thấp hơn 0,7 nhưng thực tế người lao động đã có thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên theo quy định tại các văn bản quy định về phụ cấp khu vực trước đây thì căn cứ quy định tại các văn bản đó để xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
Đối với người lao động có thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30/4/1975 và chiến trường K trước ngày 31/8/1989 thì thời gian này được tính là thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để làm căn cứ xét điều kiện giải quyết chế độ hưu trí.
Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã nghỉ việc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 1/1/2016. Từ ngày 1/1/2016 trở đi nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu thì được giải quyết hưởng lương hưu.
Trường hợp tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không còn thuộc diện là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) thì việc giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo khoản 1, khoản 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi, bổ sung tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Điều kiện hưởng lương hưu với người bị tước quân tịch hoặc danh hiệu công an nhân dân
Khoản 13 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 5 vào Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau, người lao động quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội bị tước quân tịch hoặc tước danh hiệu công an nhân dân thì điều kiện hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).
Như vậy, trường bị tước quân tịch hoặc danh hiệu công an nhân dân nếu đáp ứng đủ các điều kiện như với người lao động bình thường thì được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nếu không bị tước quân tịch, danh hiệu công an nhân dân thì những người này có thể về hưu trước tuổi tới 5 năm theo khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội.
Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1/1/2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động 2019.
Việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
H.H - Người Đưa Tin Pháp Luật