Từ vụ “bác sĩ Khoa”: Hãy “chơi” facebook với một cái đầu tỉnh táo

Theo chuyên gia, đây là bài học “xương máu”, đừng vội chia sẻ ngay thông tin trên mạng xã hội khi chưa có kiểm chứng.

Trước thông tin “bác sĩ tên Khoa rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ song sinh” được lan truyền với tốc độ "chóng mặt" trên mạng, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã vào cuộc xác minh và khẳng định đây là tin giả. Sự việc trên đang làm dậy sóng dư luận.

Đây không phải lần đầu những thông tin thất thiệt, hư cấu, không đúng sự thật được lan truyền trên mạng xã hội. Một lần nữa, câu chuyện hư cấu về “bác sĩ Khoa” giống như một tiếng chuông nhắc nhở mọi người khi tiếp cận những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ động cơ, mục đích của vụ “bác sĩ Khoa”, xử lý nghiêm vi phạm.

Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học (bộ Công an) – người cũng từng có thời gian công tác trong lực lượng đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, để ghi nhận quan điểm.

PV: Thưa Trung tá, ông nhìn nhận ra sao về vấn nạn “tin giả” hiện nay?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Vấn nạn “fake news” (tin giả) đang là một hiện tượng tiêu cực ở cấp độ toàn cầu, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Với sự bùng nổ của mạng xã hội thì vấn nạn này đang hoành hành rất dữ dội.

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thì rất nhiều tin giả được đưa lên không gian mạng, liên quan đến dịch bệnh. Nhìn chung, việc đưa tin giả có 3 nhóm.

Thứ nhất, đưa thông tin chưa được kiểm chứng về một ca bệnh nào đó trong cộng đồng, về diễn biến bệnh lý của ca nhiễm, gây sự hoang mang, lo ngại của một bộ phận người dân khu vực đó, địa bàn đó.

Thứ hai, cố tình bịa đặt, lan truyền những thông tin biết rõ là không có thật, nhằm mục đích cá nhân. Chẳng hạn như những người bán hàng online thì câu view, câu like để tăng sự chú ý, quan tâm của cộng đồng mạng đối với trang cá nhân của mình, mục tiêu là quảng cáo sản phẩm.

Hoặc có những người cố tình đưa tin giả, tạo ra sự lo lắng cho cộng đồng và “kiếm ăn” trên nỗi lo lắng đó. Ví dụ, một số người bán vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang, nước khử khuẩn, sát trùng… đã tạo ra tin giả về cơn sốt các mặt hàng này trong sự lầm tưởng của cộng đồng trước những thông tin tình hình dịch bệnh.

Góc nhìn luật gia - Từ vụ “bác sĩ Khoa”: Hãy “chơi” facebook với một cái đầu tỉnh táo

Ảnh chụp tài khoản facebook Trần Khoa lan truyền tin giả (nguồn: internet).

Thứ ba, nguy hiểm nhất là việc cố ý lan truyền những thông tin sai sự thật nhằm mục đích công kích chính quyền, làm xấu hình ảnh của các cơ quan chức năng, rồi xuyên tạc những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của chính quyền… Tức là, thông qua những thông tin giả đó để nhằm làm giảm uy tín của Nhà nước trong con mắt bạn bè quốc tế, nhằm mục tiêu chống chế độ, làm giảm lòng tin của người dân với chính quyền. Đây là những âm mưu rất thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện ý đồ.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về độ nguy hiểm của tin giả, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Ảnh hưởng của những thông tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống người dân là rất lớn. Ở phạm vi từng sự vụ, sẽ gây ra hoang mang, lo lắng cho người dân; bên cạnh đó thì cơ quan chức năng lại phải cử lực lương tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ có hay không sự việc được phản ánh như vậy; tiêu tốn về nguồn lực, con người, vật chất cho những việc “chạy theo” các thông tin trên để xác minh.

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, chống đối chế độ có thể lợi dụng những thông tin giả để tuyên truyền làm xấu đi hình ảnh của Nhà nước, của chính quyền, cản trở những nỗ lực chống dịch… Trong công tác phòng, chống dịch thì lòng tin và ý thức tự giác chấp hành của người dân chính là “một thứ vắc-xin” hiệu quả nhất. Vậy nhưng, khi xuất hiện tin giả làm một số người tin theo, khiến họ không còn nhiệt tình tham gia thực hiện những khuyến cáo, yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PV: Trở lại vụ việc “bác sĩ Khoa”, nếu như trước đó, những tin giả chủ yếu là đưa thông tin tiêu cực, nhưng lần này tin giả lại “thêu dệt” một câu chuyện rất cảm động về “vị bác sĩ rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ”. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc này?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Cái “vỏ” của nó, nếu như nhìn bề nổi là câu chuyện bác sĩ hết lòng vì người bệnh, hy sinh “tình thân” để cứu người bệnh đang mang song thai… Thế nhưng, biết đâu đó, việc đưa tin giả là muốn “cài” dụng ý về vấn đề “thiếu máy thở” trầm trọng, diễn biến dịch bệnh căng thẳng… để nhằm mục đích khiến người dân hoang mang.

Các cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích đưa tin giả vụ “bác sĩ Khoa” và xử lý nghiêm theo quy định.

PV: Vậy, để phòng ngừa nạn tin giả, cần có biện pháp gì, thưa chuyên gia?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Trước hết, chúng ta phải biết được đặc điểm của thông tin trên không gian mạng hiện nay, đặc biệt là thông tin từ mạng xã hội.

Mạng xã hội - bản chất của nó là thông tin không qua kiểm duyệt, thông tin mang tính cá nhân. Do đó, nó chứa đựng đặc điểm “nhiễu loạn”, mỗi người có thể tùy ý đăng lên trang của mình những thông tin với mục đích cá nhân, không qua bộ phận nào kiểm duyệt. Vì vậy, nó gây nhiễu loạn rất cao, nên người dùng mạng xã hội hiện nay không nên tin ngay vào những thứ đọc được, nhìn thấy trên mạng xã hội.

Thứ hai, là phải rèn tư duy “kiểm tra tính xác thực của nguồn tin”. Ta có thể dùng từ khóa đó gõ trên google để xem có những bài báo chính thống nào đăng tải nội dung thông tin đấy hay không.

Hoặc, như câu chuyện về “bác sĩ Khoa” là ví dụ rất điển hình trong việc dùng ảnh giả, nếu chúng ta nhìn thấy hình ảnh được đăng tải trong câu chuyện này thì có thể tra cứu trên tính năng google images – đây là một dịch vụ tìm kiếm được tạo ra bởi Google cho phép người dùng tìm hình ảnh trên các trang web. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh để tìm kiếm xem đã có bài báo nào, cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, ấn phẩm thông tin nào đăng tải hình ảnh đó hay chưa? Từ đó, có thể kiểm chứng thông tin.

Còn nếu chưa thấy thông tin nào liên quan được đăng lên đừng có vội chia sẻ ngay. Vụ việc thông tin giả “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho bệnh nhân Covid-19 đang mang thai” là bài học xương máu cho nhiều người, đừng vội share (chia sẻ) và bình luận ngay.

Góc nhìn luật gia - Từ vụ “bác sĩ Khoa”: Hãy “chơi” facebook với một cái đầu tỉnh táo (Hình 2).

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học (bộ Công an).

Hãy “chơi” mạng xã hội với một cái đầu tỉnh táo, luôn có ý thức cảnh giác, không dễ tin vào những thứ đọc được, nhìn thấy, thậm chí kể cả là trang cá nhân của người quen, vì biết đâu có khả năng trang đó bị hack để đăng những thông tin giả. Nói tóm lại, đừng nên tin ngay, cần phải có những động tác kiểm tra lại nguồn tin bằng các cách như tôi đã nêu ở trên.

Cái thứ ba nữa là mỗi người cần phải nêu cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc sử dụng mạng xã hội. Phải có trách nhiệm trước nguồn tin mà mình đưa ra, nhận thức rõ những nguy cơ, những chế tài có thể phải gánh chịu nếu như cố ý hoặc vô tình đăng tải, làm phát tán thông tin sai sự thật, thông tin chưa kiểm chứng trên không gian mạng.

Cần phải nhận thức được vai trò cá nhân của mình, để người sử dụng mạng xã hội không chỉ coi mạng xã hội như một “cuốn nhật ký”, muốn đưa cái gì lên đó thì đưa, mà phải cân nhắc trước khi đưa.

PV: Người đưa thông tin giả lên mạng sẽ phải chịu hậu quả như thế nào?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Khi những thông tin đưa lên trang cá nhân để ở chế độ công khai thì sẽ ảnh hưởng đến người khác, tác động đến xã hội. Vì thế, nếu anh cố tình hoặc vô ý đưa thông tin sai sự thật thì đương nhiên anh phải gánh chịu hậu quả từ hành vi, việc làm của mình. Đó sẽ là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng xử lý anh sau này.

Hiện nay, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ thì việc xử lý những hành vi đưa tin giả lên không gian mạng sẽ bị phạt tiền rất nặng.

Thậm chí, nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng, tác động đến một bộ phận lớn người dân trong xã hội thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Chế tài pháp luật đều đã có, người dùng mạng xã hội cần phải biết và tự giác tuân thủ các quy định, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến tình hình dịch bệnh hiện nay.

Việc phản ánh những tin trên không gian mạng là quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền đi đôi với nghĩa vụ, bên cạnh quyền được phát ngôn thì cũng có nghĩa vụ phải cung cấp những thông tin chính xác; những thông tin nào cảm thấy chưa chắc chắn thì đừng có vội đưa lên.

PV: Xin cảm ơn Trung tá!

 

Nguyễn Thị HườngNgười Đưa Tin Pháp Luật