Tuần đỏ lửa của thị trường chứng khoán Việt

Chứng khoán tuần vừa qua giảm cùng nhịp với thị trường thế giới, VN-Index có thời điểm mất mốc 1.200 điểm, các mã ngân hàng, thép, bất động sản... bị bán mạnh.

Thông tin FED tăng lãi suất kỷ lục gần 3 thập kỷ trong tuần vừa rồi (13/6-17/6) khiến thị trường chứng khoán quốc tế và Việt Nam trải qua tuần giao dịch buồn khi áp lực bán tháo xảy ra ở hầu hết các nhóm ngành.

Thị trường quốc tế trải qua tuần biến động khi sắc đỏ bao trùm các chỉ số tài chính lớn. S&P 500 chốt tuần giảm 5,8%, mạnh nhất kể từ khi Covid-19 lan rộng từ tháng 3/2020. Dow Jones cũng đã "bốc hơi" 4,8%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2020.

Tương tự với thị trường tài chính quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam cũng trải qua tuần biến động không mấy vui vẻ. Trong 5 phiên giao dịch của tuần quan, thị trường tăng - giảm đan xen, nhưng biên độ những phiên giảm áp đảo hoàn toàn sắc xanh.

VN-Index kết thúc tuần qua (ngày 17/6) ở mức hơn 1.217 điểm, giảm gần 67 điểm, tương ứng 5,2% so với tuần trước. Trên sàn Hà Nội, diễn biến còn tiêu cực hơn khi HNX-Index giảm 8,61% xuống 280 điểm, còn UPCoM-Index cũng đã mất hơn 7%. Trong phiên cuối tuần ngày 17/6, VN-Index có thời điểm về dưới ngưỡng kháng cự 1.200 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, BĐS "lao dốc"

Áp lực bán xảy ra liên tục trong các phiên giao dịch trong tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 điều chỉnh mạnh và tạo áp lực lớn lên VN-Index. Các nhóm bất động sản, chứng khoán, thép hay các mã đầu cơ nhiều phiên trắng bên mua và là nhóm mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung. 

Tài chính - Ngân hàng - Tuần đỏ lửa của thị trường chứng khoán Việt

Nhóm cổ phiếu tác động mạnh nhất tới thị trường tuần qua. (Ảnh: SSI)

Trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất thì có đến 6 mã đến từ các ngân hàng như CTG, MBB, VPB, TCB, BID và VIB. Nhiều mã khác thuộc nhóm ngân hàng cũng biến động tiêu cực. Theo đó, MSB mất 18,3%, MBB mất 15,3%, CTG mất 13,1%, VPB mất 9,7%, SSB mất 9,4%, SHB mất 9,4%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau giảm sâu với HPG giảm 8,9%, HSG mất 26,8%, NKG giảm 23,9%, TLH giảm 22,9%, SMC giảm 19,1%, POM giảm 18,5%...

Nhóm cổ phiếu tài chính khác là công ty chứng khoán bị bán tháo với 2 mã trụ là SSI giảm 26% và VND giảm 29,6%. Ngoài ra, VIX giảm 28%, CTS giảm 27,9%, FTS giảm 25,9%, VIX giảm 28%, TVB giảm 30%, VCI giảm 20,6%...

Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chìm trong sắc đỏ. SJF của Đầu tư Sao Thái Dương mất 30%/tuần. Nhóm Louis ghi nhận TGG mất 30%, BII mất 36%. LDG giảm 30% ngay cả khi có thông tin tích cực là lãnh đạo muốn gom cổ phiếu...

DIG của DIC Corp cũng giảm 30%. Doanh nghiệp này tuần qua thậm chí đã yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông. Cụ thể, doanh nghiệp đã có văn bản gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông chốt từ ngày 31/5 đến 16/6 để cập nhật cơ cấu cổ đông. Lý do DIC đưa ra đề nghị trên là vì cổ phiếu DIG giảm giá liên tục trong thời gian qua. Theo đó, từ 31/5 đến 16/6, cổ phiếu này giảm từ vùng 60.000 đồng xuống còn khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, DIG từng có giá lên trên 120.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản gần đây hơn 13 triệu cổ phiếu/phiên.

Tài chính - Ngân hàng - Tuần đỏ lửa của thị trường chứng khoán Việt (Hình 2).

DIG của DIC Corp giảm 30% trong một tuần. (Ảnh: FireAnt)

Điểm tích cực trong tuần qua là nhóm cổ phiếu điện, nước, khí đốt. Đây là nhóm duy nhất tăng mạnh nhất. REE có thêm gần 10% trong tuần, BWE tăng 1,7%, GAS tăng 12,9% và là mã tác động tích cực nhất tới thị trường chứng khoán tuần qua, GEG tăng 10,3%, VSH tăng 17,3%... Hay THD của Thaiholdings tăng hơn 38% lên 54.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau một tuần. Đà đi lên này trùng hợp với thời điểm cổ đông lớn Nguyễn Đức Thụy bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu và rút hoàn toàn khỏi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thuỵ bán theo phương thức thỏa thuận chứ không khớp lệnh cổ phiếu trên sàn. 

Bên cạnh đó, một điểm sáng của thị trường là khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 1.200 tỷ đồng sau chuỗi 4 tuần bán liên tiếp trước đó. Trong đó, 2 phiên bán ròng là 13/6 và 15/6, các phiên còn lại đều duy trì trạng thái mua ròng.

Cổ phiếu HPG dù giảm mạnh trong tuần qua nhưng được khối ngoại mua ròng gần 450 tỷ đồng. GAS, DPM, VHM, GMD, VGC được mua vào trên 100 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng 274 tỷ đồng. DGC và VIC là hai mã với giá trị bán ròng cao nhất, lần lượt 269 tỷ đồng và 247 tỷ đồng.

Thị trường biến động: Giảm tỉ trọng cổ phiếu

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc các nhà đầu tư thoái khỏi nhóm cổ phiếu lao dốc mạnh tuần qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… do nhóm không có nhiều yếu tố hỗ trợ. Ông Minh cho rằng dòng vốn tín dụng không chảy vào bất động sản nên ảnh hưởng trực tiếp lên hai nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, và đây là hai nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng đến thị trường lớn nhất do giá trị vốn hóa lớn.

Dòng tiền có khuynh hướng dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu tăng trưởng theo nền kinh tế như nước khí đốt, điện, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm, dầu khí… Theo ông, các nhà đầu tư vẫn tìm cơ hội ngắn hạn trên thị trường, đặc biệt ở những nhóm ngành theo đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Minh vẫn cho rằng, về dài hạn, nhóm xây dựng, bất động sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng và nhu cầu ở thật vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, giai đoạn trong 1-3 tháng tới, ông đánh giá triển vọng của nhóm này ở mức tiêu cực do nhóm này đang bị tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và dòng vốn tín dụng và trái phiếu bị hạn chế chảy vào kênh bất động sản.

Tài chính - Ngân hàng - Tuần đỏ lửa của thị trường chứng khoán Việt (Hình 3).

Nhóm cổ phiếu lao dốc mạnh tuần qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… do nhóm không có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco nhận định hành động bán ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước tuần qua chủ yếu mang tính chốt lời ngắn hạn và cơ cấu lại danh mục. Cả 4 tuần trước đó, nhóm nhà đầu tư này đều thực hiện mua ròng, đặc biệt trong tuần VN-Index tạo đáy (từ 16-20/5), nhóm nhà đầu tư đã mua ròng nhiều nhất với giá trị giao dịch gần 2.000 tỷ đồng. "Vì vậy, áp lực chốt lời trong tuần qua là điều hoàn toàn bình thường", ông Khoa nói.

Trong bối cảnh hiện tại, theo ông Khoa, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỉ trọng tiền mặt, giảm tỉ trọng cổ phiếu để luôn có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường.

"Ngoài ra, với sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong các phiên gần đây, tôi cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này sẽ là đánh nhanh rút gọn hơn là mua và nắm giữ. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này", ông Khoa nói.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, trong thời điểm thị trường giảm, điều quan trọng nhất để tránh thiệt hại đến các khoản đầu tư dài hạn thì các nhà đầu tư nên hạn chế duy trì tỉ trọng margin cao. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các nhóm cổ phiếu tăng trưởng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là nhóm nước, khí đốt, điện, bán lẻ, hóa chất…

Ông Minh cho biết nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu thấp khi thị trường có biến động. Tuy nhiên, định giá thị trường cũng đang hấp dẫn trở lại khi P/E ở mức dưới 12 lần, vì vậy các nhà đầu tư cũng có thể giải ngân thăm dò với tỉ trọng thấp.

Trần Thu Thảo