Tương lai học trực tuyến sau đại dịch

Học trực tuyến liệu có là xu thế chung của giáo dục tương lai, hay đơn thuần là một giải pháp học tập thời đại dịch?

Trong giai đoạn này, các trường học trên toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19. Đã có gần 200 quốc gia đã đóng cửa trường học để triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hơn 1,5 tỷ học sinh ở mọi cấp học đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này, việc học trên lớp bị gián đoạn trong khoảng thời gian không xác định.

Trong bối cảnh đó, thuật ngữ “Dạy học trực tuyến” đang trở nên quá quen thuộc. Trong khi thế giới vẫn đang tiếp tục gồng mình để chống chọi lại những đợt dịch bùng phát và những biến thể mới của Covid-19 thì con em chúng ta vẫn tiếp tục học tập theo phương châm “Học sinh có thể tạm dừng đến trường nhưng không thể ngừng việc học tập”. Chúng ta có vài băn khoăn để cùng nhau suy ngẫm.

Nếu đại dịch kết thúc thì liệu chúng ta có còn sử dụng đến học tập trực tuyến?”

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn vào hiện tại và tương lại để biết điều gì đang và đã diễn ra. Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cốt lõi của nó là mạng internet. Mạng internet phát triển đã làm gia tăng sự kết nối toàn cầu, thông tin được gia tăng theo cấp số nhân, công nghệ đang ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của nền kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục. Đại dịch diễn ra làm cho thay đổi số cho giáo dục nói chung và cho giáo dục Việt Nam nói riêng diễn ra nhanh chóng hơn.

Trong nhiều năm gần đây, chúng ta cũng nghe thấy thuật ngữ “tương lai bất định” – đó là một tương lai mà ngay cả con người cũng không biết là sẽ đi về hướng nào. Cái cách mà đại dịch Covid-19 xuất hiện cũng chính là một minh chứng rõ ràng cho một “tương lai bất định”, chúng ta cũng không thể biết ngoài Covid con người sẽ phải gánh chịu những dịch bệnh, thiên tai hoặc bất ổn về kinh tế - xã hội nào?

Cũng chính nhờ công nghệ mà các tác động tiêu cực của đại dịch đã bị hạn chế một cách tối đa thông qua các hỗ trợ kết nối trong các hoạt động kinh tế - xã hội hay những nghiên cứu đột phá về dịch tễ hoặc vắc-xin phòng chống Covid.

Gần đây, UNESCO đang đưa ra một khái niệm học tập mới – phương pháp học tập HELA (Hybrid Education, Learning, Assessment – Giáo dục kết hợp, Học tập, Đánh giá). Phương thức học tập này dựa trên cơ sở việc kết hợp ngay tại một thời điểm cả phương thức học tập trực tiếp và học tập trực tuyến. Chúng ta hãy tưởng tượng, tại một thời điểm sẽ có các học sinh ngồi ở những không gian khác nhau (tại lớp và ở nhà) được kết nối lại trong một lớp học, điều đó là không thể nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ.

Những minh chứng rõ ràng này đang chứng minh một sự hiển nhiên là: Chắc chắn công nghệ và lớp học trực tuyến luôn là một cấu thành của giáo dục chính quy và phi chính quy trong hiện tại và tương lai.

Nhà trường cần thay đổi gì để phù hợp với xu hướng công nghệ hoá giáo dục này?

Xét ở khía cạnh vĩ mô hơn là trường học, mỗi quốc gia cần có các chính sách phù hợp để đón đầu được công nghệ vào giáo dục hơn là ngồi im chịu thụ động chờ một “tương lai bất định” ghé thăm. Việc chủ động trong chính sách sẽ dẫn dắt cả giới nghiên cứu công nghệ và các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường chủ động kết nối để tạo ra những công nghệ, phần mềm, thiết bị,… được áp dụng một cách hiệu quả trong giáo dục.

Nhà trường cũng cần ý thức và dành nguồn lực cũng như mối quan tâm nhiều hơn cho công nghệ bên cạnh những đổi mới về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục,… Điều này được thể hiện thông qua việc:

Trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ như phòng máy tính, hệ thống đường truyền internet, các thiết bị hỗ trợ như ca-me-ra, máy chiếu, hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), các dịch vụ kết nối live class qua MS Teams, Zoon, Meeting, Google Class,… tóm lại là bất kì công nghệ nào phù hợp với điều kiện của nhà trường hỗ trợ cho việc chuyển đổi/kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Phát triển một chương trình học tập hỗ trợ cho việc sử dụng công nghệ (sản phẩm học tập tích hợp công nghệ, chương trình học tập kết hợp (blended learning), chương trình học tập phân hoá và cá nhân hoá,…).

Đào tạo giáo viên sẵn sàng cho việc sử dụng công nghệ; Phát triển một hệ thống giám sát và đánh giá học sinh; Phát triển dịch vụ kết nối phụ huynh và nhà trường; Sử dụng các nền tảng đánh giá trực tuyến…

Tất cả những yếu tố trên được kết hợp trong một môi trường sinh thái gọi là mà tác giả gọi là “Trường học thông minh”, trong đó tất cả các hoạt động của nhà trường được sự hỗ trợ tối ưu của công nghệ.

Giáo viên và học sinh cần thay đổi gì để phù hợp với xu hướng học tập với sự hỗ trợ của công nghệ trong tất cả các khâu của quá trình học tập?

“Cú huých” của dịch bệnh làm cho cả thế giới chao đảo và chúng ta cũng nhận ra nhiều giá trị cũng như định hình rõ hơn tương lai. Trong nhiều năm trước đây, giáo dục được đánh giá là ngành chậm chạp trong ứng dụng công nghệ thì chỉ với 2 năm dịch bệnh công nghệ đã được áp dụng mạnh mẽ như vũ bão trong giáo dục. Thuật ngữ Edtech được Google trả về gần 1 tỷ kết quả trong 0.55 giây.

Nói về kĩ năng sử dụng công nghệ thì chắc chắn những giáo viên thuộc thế hệ 8x trở về trước không thể “địch lại” với thế hệ Gen Z – một thế hệ được tắm mình trong công nghệ. Cái mà giáo viên cần học là cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục đối với giáo viên không chỉ đơn giản là các bài giảng Powerpoint, sử dụng Google để tìm kiếm thông tin trên mạng internet mà là hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm dữ liệu, xử lý dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và thể hiện dữ liệu với sự hỗ trợ của công nghệ. Không phải là giáo viên mà học sinh mới là trung tâm của việc sử dụng công nghệ.

Mục tiêu giáo dục trong thế kỉ 21 không chỉ còn là kiến thức mà còn nhằm phát triển cho học sinh năng lực sáng tạo, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ, giải quyết vấn đề và xung đột,…. Để đạt được mục tiêu này, giáo viên cần thể hiện được bốn vai trò: Người hướng dẫn, người đánh giá, chuyên gia và huấn luyện viên mà trong đó, CNTT được sử dụng như là một công cụ học tập quan trọng.

Những góc nhìn cá nhân dựa trên những tổng hợp thông tin của tác giả hy vọng đưa ra được một số câu trả lời hợp lí cho quý độc giả. Trong khi giới khoa học vẫn còn nghiên cứu về Covid-19 thì những nhà giáo dục, cha mẹ và học sinh cần đón nhận lớp học trực tuyến như là một cách học chính quy chứ không phải là một cuộc du ngoạn có hồi kết.