Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, nhiều ĐBQH đã phát biểu thảo luận tại hội trường, liên quan đến việc học và thi trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng việc học trực tuyến không có thể thay thế được học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học...
Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng chỉ ra chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan đem lại như: Chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết bị sử dụng dạy học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả,...
Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc học trực tuyến kéo dài gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) dẫn một báo cáo nhanh vào tháng 8 cho thấy chi phí học trực tuyến cho con cái trong đại dịch là chi phi phát sinh lớn nhất cho nhiều gia đình. Bà bày tỏ lo ngại khi trẻ em, hộ nghèo đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn cho con em học trực tuyến.
“Ở địa phương tôi, đặc biệt các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều người không có khả năng trang trải số tiền hơn 3 triệu đồng mua điện thoại thông minh hoặc khoảng 10 triệu đồng cho một máy tính”, Tri thức trực tuyến dẫn lời nữ đại biểu tỉnh Kon Tum.
Bà Trần Thị Thu Phước cũng đề nghị bộ GD&ĐT khẩn trương đánh giá hiệu quả học trực tuyến.
Bày tỏ lo ngại với việc dịch bệnh tiếp tục phức tạp khiến học sinh ở nhiều địa phương không được đến trường, phải học trực tuyến trong thời gian dài, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị ngành giáo dục có chính sách đảm bảo sự đồng đều, chất lượng dạy và học trong điều kiện hiện nay; sớm có hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, bộ GD&ĐT khẳng định dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận điều kiện học tập giữa các vùng miền.
Theo bộ GD&ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết của các nhà trường nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiêp cận các điêu kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng việc pháp điển hóa hình thức dạy học trực tuyến còn nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện đế các em được học ở mọi nơi, mọi lúc và hướng đến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.
Theo VietNamNet, bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ học sinh kịp thời.
Đến nay, Bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố. Số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ là hơn 2,1 triệu học sinh.
Tính riêng tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số học sinh cần được hỗ trợ là hơn 1,8 triệu em (bao gồm hơn 298.000 học sinh thuộc hộ nghèo, hơn 276.000 học sinh thuộc hộ cận nghèo, 1.500 học sinh có cha, mẹ tử vong vì Covid-19 và hơn 1,24 triệu học sinh thuộc đối tượng khó khăn khác).
Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, bộ GD&ĐT đã phối hợp với bộ TT&TT triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến ngày 30/10/2021, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính. Ngoài ra, tính đến ngày 25/10/2021, ngành Giáo dục đã huy động được hơn 142 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng hướng dẫn các địa phương tổ chức mua sắm bằng nguồn kinh phí huy động được tại địa phương, bàn giao cho các cơ sở giáo dục để trao cho học sinh.
Tích cực phối hợp với các đơn vị đã cam kết tài trợ đế tố chức tiếp nhận, bàn giao máy tính cho học sinh trong thời gian sớm nhất.
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin