Gần đây, có nhiều thông tin lan truyền về việc uống nước chanh tiêu diệt được tế bào ung thư, thậm chí còn mạnh hơn cả hóa trị gấp 10.000 lần trong việc diệt tế bào ung thư. Theo quan điểm này, nước chanh sẽ làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư, tiêu diệt bế bào ác tính. Người mắc ung thư chỉ cần cắt 2-3 lát chanh hoặc vắt nước cốt chanh cho vào cốc nước uống, do chanh có tính axít nên sẽ biến thành nước có kiềm, loại nước này diệt được tế bào ác tính, bảo vệ được tế bào lành tính. Khi thông tin này xuất hiện, rất nhiều người đã áp dụng theo, điều này theo các chuyên gia là rất nguy hiểm.
Trước thông tin trên, các chuyên gia đều cho rằng, đây là thông tin không chính xác. PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương - GĐ Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, không có bằng chứng chứng minh nước cốt chanh tiêu diệt được tế bào ung thư, vì thế mọi người không nên nghe theo tin đồn mà áp dụng. Người bệnh ung thư cần được thăm khám, đánh giá kỹ lưỡng, tùy từng bệnh và giai đoạn các bác sĩ sẽ đưa ra phương án và phương pháp phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Nước chanh không diệt được tế bào ung thư như tin đồn. Ảnh minh họa
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho rằng, với những người mắc bệnh lý mãn tính như ung thư, khi thực hiện chế độ ăn uống nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng. Các bác sĩ sẽ đánh giá thực tế bệnh tật, thể trạng và nhu cầu của người bệnh để đưa ra phương án, thực đơn cụ thể.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định, cho đến nay nước cốt chanh không được xem là phương pháp điều trị ung thư. Bác sĩ Hưng cho biết, nước chanh có nhiều tác dụng, nhất là vào mùa hè giúp giải nhiệt, cung cấp vitamin C rất tốt cho cơ thể và giúp kích thích bài tiết dịch vị tốt do chanh có vị chua.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì chính vị chua (axít citric) này có thể sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây nên những cơn đau cấp tính, thậm chí nếu sử dụng nhiều và kéo dài có thể gây mòn men răng do axít có tính ăn mòn.
Uống nhiều nước chanh ngoài ảnh hưởng đến dạ dày, còn khiến răng bị ăn mòn. Ảnh minh họa
“Ngay cả khi uống nước chanh để giải nhiệt cũng cần uống với độ chua vừa phải, không nên uống quá chua. Đặc biệt, khi uống không nên cho thêm quá nhiều đường, có thể khi uống chúng ta không cảm nhận thấy vị quá ngọt, vì bị vị chua của chanh lấn át, nhưng thực tế tổng lượng đường đưa vào cơ thể là khá nhiều. Việc sử dụng nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Hưng cho hay.
Riêng đối với chế độ ăn kiềm hóa để ngăn chặn bệnh tật, trong đó có việc sử dụng thực phẩm có tính axít như chanh, bác sĩ Hưng cho rằng, hiện cho có bằng chứng rõ ràng về vấn đề này và trong dinh dưỡng cũng không đề cập tới việc sử dụng thường xuyên thực phẩm có tính axit hay tính kiềm sẽ tốt cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Hưng, việc thực hiện chế độ ăn khoa học, hợp lý với bệnh nhân ung thư là rất quan trọng, để vừa giúp nâng cao thể trạng, vừa đầy lùi được bệnh tật. Một chế độ ăn đúng là đủ năng lượng, cân đối các chất (tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất).
Việc ăn đúng sẽ giúp cơ thể hoạt động và phát triển, duy trì sức mạnh của con người, sức mạnh cơ bắp, phòng chống được nguy cơ bệnh tật. Đối với người đã bị bệnh, ăn uống sẽ giúp kiểm soát được bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng. Còn việc điều trị bệnh thì vẫn cần tuân theo phác đồ của bác sĩ.