Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả?

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ Phạm Thanh Hải đã phê duyệt cho công ty Full House trúng gói thầu 8,1 tỷ đồng với nhiều sản phẩm có dấu hiệu đội giá cao hơn thị trường gấp 2 lần.

Thiết bị phổ thông, không khó tham khảo giá

Gói thầu được nhắc đến ở trên là Mua sắm hàng hóa: Cung ứng thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập năm 2022 đối với phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vân Hồ do ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Vân Hồ mời thầu. Tuy được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng quá trình mời thầu chỉ thu hút 1 nhà đầu tư là công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Full House Việt Nam (công ty Full House - PV)  dự thầu và trúng với tỉ lệ tiết kiệm 1,2% (tương đương 8.171.620.000 đồng so với dự toán 8.270.916.000 đồng).

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả?

Quyết định số 188/QĐ-PGDĐT do ông Phạm Thanh Hải phê duyệt.

Nhiều mã hàng khá phổ thông trong gói này có giá cao hơn thị trường khi PV dùng yêu cầu kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra tại chương V – E-HSMT để khảo sát. Ví dụ chiếc máy tính để bàn được công ty Full House dự thầu với giá 13.850.000 đồng/bộ. Nhưng một số đơn vị cung cấp sẵn sàng cung ứng số lượng lớn cho PV với cấu hình và thông số tương tự chiếc máy tính này với giá chỉ 9.910.000 đồng/bộ. Nếu so sánh trên số lượng 153 bộ, tổng số tiền chênh lệch là 602.820.000 đồng.

Tương tự với bàn ghế học sinh, đơn vị báo giá với thông số, chất liệu trùng khớp yêu cầu của phòng GD&ĐT Vân Hồ giá là 1.300.000 đồng, trong khi ở gói thầu cao hơn 200.000 đồng (đã gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển, lắp đặt). Nếu tham khảo sản phẩm mà PV khảo giá thì chủ đầu tư đã có thể tiết kiệm gần 200 triệu đồng cho 995 bộ bàn ghế.

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả? (Hình 2). Báo giá bàn ghế học sinh (ảnh bên trái) theo đúng yêu cầu kỹ thuật tại chương V của E-HSMT (ảnh khoanh đỏ bên phải).

Hay tủ đựng cá nhân cho trẻ có đơn giá tại gói thầu là 5.695.000 đồng/cái còn đơn vị cung cấp có thể bán sản phẩm ở mức giá 4.360.000 đồng/cái. Với số lượng 220 cái tủ đựng cá nhân của trẻ, tổng số tiền chênh lệch là 293.700.000 đồng.

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả? (Hình 3). Bảng so sánh giá do phóng viên thực hiện.

So sánh ngẫu nhiên 18/46 sản phẩm được mua sắm, số tiền chênh lệch là 1.702.944.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, bảy trăm linh hai triệu, chín trăm bốn mươi bốn nghìn đồng).

Trên thực tế, có thể địa hình vận chuyển sản phẩm khác nhau, thời điểm mua khác nhau, chương trình hậu mãi khác nhau… dẫn đến chênh lệch giá là không tránh khỏi. Thế nhưng, việc sai số, mức chênh lệch giá chỉ cho phép trong giới hạn. Nếu sản phẩm gói thầu có giá chênh lệch cao hơn so với thị trường lên đến hàng tỷ đồng thì các cơ quan chức năng liên quan cần xem xét lại quy trình đấu thầu.

Với mong muốn thông tin được khách quan, đa chiều, PV đã nhiều lần liên hệ với phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ, nhưng không nhận được phản hồi.

Nhà thầu Full House và những cuộc thầu bất thường với công ty Thiết bị điện nhẹ

Được biết, công ty Full House có địa chỉ tại số 21 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông  Đỗ Trường Thọ, hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả? (Hình 4). Dữ liệu tính đến ngày 6/11/2023. Ảnh chụp màn hình

Kể từ khi tham gia vào mạng lưới đấu thầu quốc gia đến nay, đơn vị này trúng 36/44 gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu là 111.937.762.700 đồng (gần 112 tỷ đồng).

Công ty Full House có mối quan hệ lúc liên danh khi thành đối thủ với nhà thầu công ty CP Công nghệ thiết bị điện nhẹ Việt Nam (địa chỉ: Số nhà 23, ngõ 943/5, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo đó, trong số những gói thầu mà công ty Full House tham gia thì có 14 gói “song hành” cùng công ty CP Công nghệ thiết bị điện nhẹ Việt Nam (Công ty thiết bị điện nhẹ - PV). Trong đó, 3 gói liên danh, 3 gói chưa có kết quả và 8 gói làm đối thủ của nhau.

Cụ thể, liên danh công ty Full House - Thiết bị điện nhẹ bắt tay thực hiện 3 gói thầu bao gồm: Trang bị, thay thế thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình led, tivi hội trường lớn của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 cho các trường phổ thông có cấp tiểu học và THCS trên địa bàn huyện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Mộc Châu; Mua sắm trang thiết bị tại ban QLDA ĐTXD thành phố Sơn La.

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả? (Hình 5). Các gói do liên danh Công ty Full House - Thiết bị điện nhẹ thực hiện.

Thế nhưng, không biết vì lý do gì khiến mối quan hệ liên danh này bị “phá bỏ” khi bộ đôi “trở mặt” đối đầu nhau trong 8 gói thầu khác (đó là các gói theo STT 1,2,3,4,5,6,8,9 trong bảng dưới đây). Đáng chú ý, kịch bản chung cho tất cả các lần đối đầu này là công ty Thiết bị điện nhẹ làm “kẻ lót đường” cho công ty Full House giành phần thắng.

Kinh doanh - Vân Hồ, Sơn La: Sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị học tập đã thực sự hiệu quả? (Hình 6).

Một phần danh sách thể hiện mối quan hệ giữa công ty Full House và Công ty thiết bị điện nhẹ.

Theo luật sư Nguyễn Sương, công ty Luật FDVN, tình trạng “liên danh – đối thủ” trên thực tế có thể là dấu hiệu không bình thường trong hoạt động đấu thầu khi số lượng nhà thầu dự thầu chỉ để “cho vui”, cho đủ điều kiện, làm nhiệm vụ lót đường cho doanh nghiệp đã được sắp đặt để trúng thầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những quan điểm cá nhân và vị luật sư cho rằng, để biết được có vi phạm quy định đấu thầu hay không thì cần cơ quan chuyên môn rà soát lại quy trình trong các gói thầu mà các công ty này tham gia.

Lê Vân