Cuộc chuyển nhượng bí ẩn
Chơi lan đột biến là thú chơi nổi lên trong vài năm trở lại đây. Rất nhiều cuộc chuyển nhượng lan tiền tỷ diễn ra, tuy nhiên độ thực hư vẫn chưa thể xác minh.
Mới đây, 2 cuộc chuyển nhượng lan var khiến cộng đồng mạng phải trầm trồ. Trong đó, phi vụ chuyển nhượng cây lan var Ngọc Sơn Cước được giao dịch với giá 250 tỷ ở Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh đang gây xôn xao dư luận. Thông tin trên Vietnamnet, theo đánh giá của giới chơi lan thì cây lan này đã bỏ xa Người Đẹp Bình Dương, Bướm Đại Ngàn và Bảo Duy được rao bán với giá khủng trước đó.
Được biết, thông tin về cuộc giao dịch này được đăng tải trên facebook của anh Nguyễn Văn Minh. Nội dung cho biết, anh đã thực hiện nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var đất mỏ này với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó, 1 cây Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku với giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Minh, 42 tuổi (ở Lạch Tray, Hải Phòng) người được cho là chủ nhân mua Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ chia sẻ, hôm 15/3, anh đại diện cho công ty đến một vườn lan var ở Mạo Khê, Quảng Ninh giao dịch mua Ngọc Sơn Cước. Và dù là người mới chơi lan var nhưng do nhận thấy rõ tiềm năng và cơ hội của thú chơi này nên anh quyết định mua nó. Được biết, cây lan var Ngọc Sơn Cước anh Minh vừa mua gồm 2 nhánh gốc, 4 mầm, dài 1,1m và có tất cả 48 lá.
Trong buổi giao dịch lan hôm đó, anh Minh còn mua thêm 3 lá non của các loại lan var nổi tiếng khác như: 1 lá non Pleiku với giá 20,5 tỉ đồng, 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỉ đồng. Anh cũng tiết lộ, giao dịch mua lan khủng này là từ vườn lan var đất mỏ do anh Bùi Hữu Giang, SN 1989 làm chủ nhà vườn.
Cùng trong sự kiện đó, ngày 15/3, nhà vườn trên còn chuyển giao thêm 1 kie hồng chương chi với giá 15 tỷ đồng cho người chơi lan Nguyễn Duy Quân.
Những phi vụ mua bán Lan var giá khủng
Người chơi lan var cho hay, loài lan 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước là mặt bông mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng đã lập tức làm khuynh đảo thị trường lan var Việt.
Với hoa thơm, cánh hoa bay và đẹp mang đặc trưng của dòng phi điệp, có thể làm kinh tế tốt nên được giới chơi lan ráo riết săn lùng và ao ước sở hữu nên độ hot của nó bỏ xa những loại lan đột biến khác như Bảo Duy, Bướm Đại Ngàn...
Cây lan var Ngọc Sơn Cước được chốt giá 250 tỷ đồng đã lập lên kỷ lục mới trong giới chơi lan. Tuy nhiên, trên các hội nhóm chơi lan var, Ngọc Sơn Cước được nhiều người chơi rao bán ở mức giá khủng. Cụ thể, bán lúa non giá 3,2-3,5 tỷ đồng; kieki 2-5cm có giá 2,7-3 tỷ đồng/cm; kieki 5-7,5cm được bán giá 1,8-2,7 tỷ đồng/cm; kieki 7,5-10cm giá 1,3-1,8 tỷ đồng/cm.
Trong ngày 15/3, có thông tin cho rằng, tại Sóc Sơn, Hà Nội cũng diễn ra lễ giao dịch và chuyển nhượng 1 cây lan var Ngọc Sơn Cước với 1 thân mẹ dài 4cm và mầm gốc dài 2cm với giá 16 tỷ đồng.
Thực - hư và nghi vấn chiêu trò
Những giao dịch chuyển nhượng lan đột biến tiền tỷ đã dấy lên rất nhiều nghi vấn rằng đây là giao dịch thật hay chỉ là giao dịch giả để làm màu? Nhiều người cho rằng, mức giá này là phi lý, không có trên thực tế. Đây có thể là chiêu giao dịch giả nhằm thổi giá. Thậm chí có người nhận định, nếu không phải chiêu thổi giá thì cũng không loại trừ khả năng rửa tiền.
Hiện chưa xác định được tính thực hư của giao dịch Ngọc Sơn Cước giá 250 tỷ ở Quảng Ninh. Nghi vấn sẽ được làm sáng tỏ khi cơ quan quản lý truy vết các giao dịch chuyển tiền mặt hay qua tài khoản. Cơ quan thuế vào cuộc xác minh khoản thu có phải chịu thuế hay không.
Trước đó không lâu, phi vụ giao dịch lan đột biến Bảo Duy 19 tỷ đồng ở Hà Nam cũng được chính quyền và cơ quan quản lý xác minh là giả.
Theo báo Công an nhân dân, tại Bình Phước cũng nổi lên những phiên mua bán, đấu giá lan đột biến bạc tỉ. Tuy nhiên khi vào cuộc, ông Trần Văn Hướng – cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Phước cho biết, tại thời điểm kiểm tra, các chủ lan cho biết họ chỉ tụ tập gặp nhau trình diễn lan, ra mắt những cây lan “độc, lạ, “quý hiếm” hoặc trao đổi thông tin về nghề chứ không mua bán.
Về thú chơi lan đột biến, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Đạo với thâm niên hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Với một nhánh lan, một giò lan đột biến hiện nay có giá trị quá cao, do đó những người chơi lan phải rất thận trọng khi tham gia, và nên đưa nó về với giá trị thực của nó thì như vậy mới thưởng thức và chơi cây cảnh mới bền vững, ý nghĩa.
Mộc Miên (T/h)
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật