Vì sao cổ phiếu thép lao dốc?

Hầu hết cổ phiếu thép ghi nhận mức giảm mạnh hơn nhiều chỉ số VN-Index trong 1 tháng qua.

 

Vì sao cổ phiếu thép lao dốc?

Thống kê 1 tháng trở lại đây cho thấy cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã giảm 15%, trong khi đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm tới 20%. Tương tự, POM của Công ty Thép Pomina và TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng giảm lần lượt 13% và 17%. Riêng NKG đi ngược xu hướng với mức tăng nhẹ 1%.

Mức giảm của nhiều cổ phiếu thép là mạnh hơn khá nhiều thị trường chung bởi tính trong 1 tháng qua, chỉ số VN-Index chỉ giảm khoảng 6%.

Trong báo cáo cập nhật ngành thép công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra nhận định rất đáng chú ý: "Bất chấp sự lạc quan hiện tại đối với nhu cầu và giá bán của các sản phẩm thép, một điểm đảo chiều của đợt tăng giá thép sẽ xuất hiện trong 6 tháng cuối năm 2021".

Trên thực tế, chênh lệch cung và cầu thép của Trung Quốc đã khiến giá thép đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2021. Cụ thể, với vai trò là nền kinh tế đầu tiên bị ảnh hưởng và đầu tiên phục hồi từ Covid-19, tác động của các chính sách kích thích tài khóa mạnh mẽ từ Trung Quốc đã hiện diện và thúc đẩy nhu cầu thép kể từ quý III/2020. Điều này cùng với các biện pháp kích thích tài khóa của các nền kinh tế khác trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh mà mức sản xuất hiện có chưa kịp cân bằng.

Trong khi đó, về phía nguồn cung, nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã phải chịu nhiều hạn chế trong sản xuất, trong một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm tác động môi trường của ngành sản xuất thép. Ngoài ra, việc Trung Quốc giảm nguồn cung trong giai đoạn 2016-2020 dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt khiến giá bán các sản phẩm thép tăng lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, VCSC nhấn mạnh hiện nay Trung Quốc đang có kế hoạch rút dần các biện pháp kích thích cũng như kiểm soát giá thép trong nước.

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tương đối nhanh chóng từ đợt dịch Covid-19 khởi phát đầu năm 2020 để đạt tăng trưởng 2,3% trong cả năm 2020. Theo Wall Street Journal, với đà tăng trưởng hiện ở mức trước đại dịch, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã báo hiệu rằng họ có kế hoạch rút dần các biện pháp kích cầu, thay vào đó là tập trung vào giảm nợ và hạ nhiệt bong bóng thị trường bất động sản.

Trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn ra vào tháng 3/2021, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cắt giảm mục tiêu thâm hụt tài khóa xuống 3,2% GDP dự báo của Trung Quốc, so với mức 3,6% vào năm 2020. Bắc Kinh cũng giảm số nợ mà các chính quyền địa phương được phép huy động trong khi cấp cho các chính quyền địa phương hạn ngạch trái phiếu đặc biệt là 3,65 nghìn tỷ CNY (tương đương 563 tỷ USD) vào năm 2021, giảm so với mức 3,75 nghìn tỷ CNY (579 tỷ USD) vào năm 2020. Vào tháng 6/2021, Bắc Kinh giảm hạn ngạch trái phiếu cho mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương xuống 3,47 nghìn tỷ CNY (537,2 tỷ USD).

Mặt khác, lĩnh vực bất động sản - vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất thép thô của Trung Quốc vào năm 2020 và giữ tỷ suất lợi nhuận thép cao - dự kiến sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2021.

Theo S&P Global Platts, doanh số bán và mở bán bất động sản của Trung Quốc trong các dự án mới có khả năng duy trì hiệu quả trong nửa đầu năm 2021 do các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ được đưa ra vào năm 2020, sẽ tiếp tục tạo ra động lực tăng vào đầu năm 2021. Tuy vậy, các chính sách thắt chặt hơn, bao gồm thắt chặt nguồn cung tín dụng, được Bắc Kinh đưa ra vào giữa năm 2020 để kìm hãm lĩnh vực bất động sản sẽ mất đến 1 năm để bắt đầu phát huy tác dụng trên thị trường.

Theo ước tính của S&P Global Platts, cung và cầu thép của Trung Quốc sẽ gần như cân bằng vào năm 2021 nếu nhu cầu thép bất động sản vẫn ở mức cao, thay vì mất cân bằng như trước đây. Còn nếu nhu cầu thép cho bất động sản giảm xuống mức thấp thì điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện trở lại của tình trạng dư thừa thép trên thị trường các sản phẩm thép dài, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm 2021. Tình hình này sẽ dẫn đến giảm sản lượng thép bán hoặc tăng lượng thép phải xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát giá thép trong nước bằng cách chính thức hủy bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thép khác nhau (tức là từ khoảng trung bình 13% xuống mức 0%) vào tháng 5/2021 để thúc đẩy các nhà sản xuất thép trong nước giảm lượng thép xuất khẩu khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc tăng cao. Các biện pháp trên đã kìm hãm đà tăng giá thép nội địa của Trung Quốc với cả giá thép hình và HRC đều giảm từ mức đỉnh vào tháng 5/2021.

Từ tình hình trên, VCSC kỳ vọng đà tăng giá thép trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ không tiếp diễn, do đó tạo ra sự đảo chiều trong biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép.

VCSC cho rằng giá thép toàn cầu sẽ điều chỉnh từ mức đỉnh vào tháng 5/2021 nhưng kỳ vọng đây sẽ là một sự điều chỉnh chậm hơn là giảm mạnh.

Công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh đà tăng của cả giá quặng sắt và thép dẫn đến cơ hội mở rộng biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng xu hướng này sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021.

VCSC lưu ý rằng chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào (HRC) và đầu ra (tôn mạ) của các công ty tôn mạ (như HSG và NKG) mỏng hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép xây dựng (thép thanh vằn và dây cuộn), điều này sẽ làm tăng nguy cơ làm giảm biên lợi nhuận khi hàng tồn kho HRC chi phí thấp dần hết và chi phí đầu vào bắt kịp so với giá sản phẩm hoặc giá sản phẩm giảm.

Liên quan đến diễn biến giá cổ phiếu thép, VCSC nhận định giá cổ phiếu đã phản ánh phần lớn lợi nhuận dự kiến tăng mạnh của các công ty thép niêm yết nhờ giá thép toàn cầu tăng. "Do chúng tôi kỳ vọng giá thép sẽ đạt đỉnh và sau đó điều chỉnh vào nửa cuối năm 2021, chúng tôi tin rằng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 từ mức cao trong nửa đầu năm 2021", công ty chứng khoán này nêu quan điểm.

Thanh Long - vietnamfinance.vn