Trong một lần đi du lịch Nhật, nhà báo Emma Cooke và người bạn đã đến nhầm địa chỉ căn hộ họ thuê qua Airbnb vào 1h sáng. Khi những vị khách không mời đang cố gắng mở cửa nhưng bất thành, chủ nhà và con gái đã bước ra với ánh mắt kinh ngạc. Nhưng thay vì hét lên hay gọi cảnh sát, họ lại sẵn lòng chỉ đường cho Emma. Điều ấn tượng nhất là khi Emma không hiểu được lời chỉ dẫn, người phụ nữ đã nói lời xin lỗi chân thành - với những người lạ mặt vừa cố “đột nhập” vào nhà mình.
Theo BBC, lời xin lỗi của người Nhật rất phổ biến, được sử dụng như một cách thể hiện sự khiêm nhường. Trong suy nghĩ của những người nước ngoài, đó là sự chất vấn bản thân một cách bất thường. Người Nhật có những cử chỉ thể hiện sự xin lỗi khác biệt. Ví dụ, để tay lên trán vừa là một lời xin lỗi vừa là cách để một cụ già bé nhỏ có thể xin đường khi đi xuyên qua đám đông.
Theo nhà báo Emma, ở Nhật có ít nhất 20 cách xin lỗi. Người phụ nữ trong căn hộ nọ đã sử dụng từ “gomen-nasai” mang tính trang trọng, trong khi từ phổ biến nhất là “sumimasen”. Từ này mang nghĩa tương đương “excuse me” trong tiếng Anh, thường xuyên được dùng khi gọi cửa, gọi taxi, có thể dùng thay từ “arigatou” (cảm ơn). Điều này được hiểu rằng người Nhật xin lỗi vì đã "giành phần” của những người khác.
Tuy nhiên, theo Laurie Inokuma, người theo chuyên ngành tiếng Nhật tại Đại học Cornell và đã làm việc cho Japan Airlines trong 15 năm, điều này không đúng.
“Chỉ có 10% ý nghĩa trong từ 'sumimasen' là một lời xin lỗi. 90% được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và trung thực. Đó là một từ được dùng thường xuyên. Khi ai làm điều gì đó cho bạn, như tránh đường hay giữ cửa cho bạn, thì nói 'sumimasen' là một phản ứng phổ biến”, cô nói.
“Từ 'sumimasen' thường xuyên được sử dụng để thể hiện một sự bất tiện bạn gây ra cho người khác. Có một sự khiêm nhường trong đó; tùy thuộc vào tình hình thì đó sẽ là xin lỗi hoặc là biết ơn”, Inokuma nói.
Erin Niimi Longhurst là tác giả người Nhật gốc Anh của cuốn sách Japonisme - nói về cách mà truyền thống Nhật Bản có thể tạo ra một nếp sống chu đáo. Cô chia sẻ: “Có một nền văn hóa xin lỗi cũng là nền văn hóa về sự biết ơn”.
Trong khi đó, Inokuma nhận định: “Ở Nhật, bạn cần cư xử lịch sự khi sống cùng với những người hàng xóm - đó là sự tôn trọng đối với người khác”. Tại Tokyo, bạn hãy xem những dòng người xếp hàng dài cả km để được vào công viên Shinjuku Gyoen hay bờ sông Nakameguro trong mùa hoa anh đào để hiểu điều này.
Nhật là một trong những quốc gia có mật độ dân thành phố cao nhất trên thế giới, đặc biệt ở các đô thị lớn. Không gian sống trung bình cho mỗi người là 22 m2 trên toàn quốc, và 19 m2 tại Tokyo. Và khi khoảng không trở nên chật chội, sự tôn trọng không gian của người khác trở nên rất tự nhiên.
"Có một sự tôn trọng đối với không gian của người khác. Khi bạn đi vào một ngôi nhà, bạn luôn phải cởi giày - một sự tách biệt giữa bên ngoài và bên trong. Ngoài ra, hãy bày tỏ một thái độ 'meiwaku', có nghĩa là 'xin lỗi vì làm phiền bạn' hoặc 'xin lỗi vì đã đi vào không gian của người khác''', tác giả Longhurst khẳng định.
Trong cuốn Japonisme, Longhurst đã tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Nhật Bản hiện đại và truyền thống. Theo cô, văn hóa xin lỗi của đất nước này - với yếu tố lịch sự nằm bên trong - đã trở thành ý thức.
Hidetsugu Ueno, chủ quán Bar High Five ở Tokyo, thêm rằng ý thức đó còn đi đôi với sự thấu cảm: “Tất nhiên chúng tôi không muốn xin lỗi nếu không cần. Nhưng chúng tôi sẽ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu được họ, vì vậy người Nhật sẽ nói ra lời xin lỗi”.
Văn hóa này giúp đẩy lùi tỷ lệ tội phạm của Nhật - nơi được biết đến với số vụ giết người thấp nhất trên thế giới. Ueno nói: “Nhật cũng có những người phạm pháp. Nhưng nếu thấy một chiếc ví trên đường phố, hầu hết người Nhật sẽ mang nó đến đồn cảnh sát. Chúng tôi biết có bao nhiêu người đau khổ khi mất ví. Nếu bạn nghĩ điều đó có thể xảy ra với bạn, bạn sẽ biết làm thế nào cho đúng. Điều này được dạy từ khi chúng tôi còn rất nhỏ”.
Từ năm 1958, trẻ em Nhật được dạy những bài học đạo đức, nói về tầm quan trọng của việc hợp tác với người khác vì lợi ích của tất cả mọi người - một khái niệm được cho bắt nguồn từ các samurai.
Tại Nhật, lời xin lỗi rõ ràng là một liều thuốc chữa bách bệnh, được tinh chế thành ngôn ngữ phức tạp. Thứ "ngôn ngữ" này cũng là tấm gương phản ánh một nền văn hóa rộng hơn của Nhật. Ở đây lời xin lỗi là sự pha trộn giữa phép lịch sự, tôn trọng và đạo đức, được bắt nguồn một phần bởi thực tế cuộc sống giữa một cộng đồng đông đúc, và một phần bởi nguyên tắc đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử.
“Sự phức tạp của văn hóa và ngôn ngữ đan xen với nhau. Chồng tôi thường nói sự lịch sự và tôn trọng đơn giản là nằm trong DNA của người Nhật”, Inokuma cho biết.
Theo Trường Đặng/Vnexpress