Vì sao sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng chậm lại ?

Trong 5 tháng đầu năm, tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại, sản lượng hàng hóa ước đạt là 304,217 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Hàng Hải Việt Nam vừa công bố khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm 2022. Theo đó, sản lượng đạt gần 241 triệu tấn không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 61,95 triệu tấn, tăng 2%; hàng nhập khẩu đạt 67,49 triệu tấn, giảm 9%; hàng nội địa đạt 110,99 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm đạt 8,301 triệu Teus, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá lãnh đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, 2% là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm trở lại đây mặc dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch Covid-19. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu đã giảm 9% so với cùng kỳ.

Nhiều khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua giảm mạnh như: Bình Thuận giảm 28% (từ 5,5 triệu tấn xuống 3,77 triệu tấn), khu vực Cần Thơ giảm 25% (từ 5,37 triệu tấn xuống còn 4 triệu tấn), Kiên Giang giảm 12% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, những khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều ghi nhận mức giảm từ 0,5 - 4% so với cùng kỳ. Trong đó, cảng tại Hải Phòng đạt 30,9 triệu tấn, giảm 0,5%; Tp.Hồ Chí Minh đạt 53,09 triệu tấn, giảm 2,8%; Vũng Tàu đạt 36,46 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế vĩ mô - Vì sao sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng chậm lại ?

Sản lượng đạt gần 241 triệu tấn không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lượt tàu thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm, có 6.222 lượt tàu ngoại đạt, giảm 27% và có 18.081 lượt tàu nội, giảm 15% so với cùng kỳ 2021.

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng do nhiều yếu tố; trong đó nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phục hồi trở lại.

Ngoài ra, chính sách Zero Covid của Trung Quốc - thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới các doanh nghiệp tham gia thị trường này; trong đó có các doanh nghiệp vận tải biển. Còn công suất của các cảng biển và vận tải biển vẫn hoạt động tăng cường và tích cực.

Trong 5 tháng đầu năm, tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại, sản lượng hàng hóa ước đạt là 304,217 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng container ước đạt 10,48 triệu Teus, tăng 1% so với cùng kỳ.

Chi phí vận tải rẻ, đường sắt ồ ạt nhận đơn hàng

Mới đây, UBND Sơn La đã chủ động làm việc với Tổng công ty Đường sắt VN nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong vận chuyển nông sản của tỉnh bằng tàu hàng.

Từ các chuyến tàu chở nông sản của Sơn La vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam trong đợt dịch diễn biến phức tạp giữa năm 2021, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã nhận thấy những ưu việt của đường sắt trong vận chuyển hàng nông sản khối lượng lớn, đi xa, an toàn.

"Tuy không có đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia nhưng chúng tôi vẫn mong muốn hợp tác với đường sắt vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp như trái cây và sản phẩm sau chế biến như tinh bột sắn, cà phê... đi tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu", Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công chia sẻ với Giao thông.

Chào đón bạn hàng lớn, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vận chuyển của Sơn La. Không chỉ Sơn La, với các tỉnh không có đường sắt kết nối đến, đường sắt sẽ thực hiện dịch vụ logistics từ kho đến kho, dịch vụ trọn gói cho khách hàng: Vận chuyển nông sản bằng ô tô từ điểm tập kết đến ga đường sắt để vận chuyển bằng tàu và vận chuyển bằng ô tô từ ga đến điểm trả hàng.

Đối với hàng nông sản, đường sắt có thể vận chuyển bằng nhiều hình thức: Hàng chỉ cần bảo quản mát có thể đi bằng hàng nguyên toa theo tàu khách; Hàng phải bảo quản lạnh, vận chuyển bằng container sẽ đi theo tàu hàng.

Tuy nhiên, ông Phan Quốc Anh thừa nhận, mặt hàng nông sản tươi, cần bảo quản lạnh sẽ khó cạnh tranh được với ô tô trên cả hai chiều từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc. Bởi đặc thù của vận tải đường sắt là phải tập kết hàng về ga, nguồn hàng đủ lớn, đoàn tàu đủ tấn số mới chạy được để đảm bảo hiệu quả về doanh thu nên mất thời gian hơn. Trong khi đó, đi bằng ô tô, chủ hàng chủ động được thời gian, dù hàng chỉ đủ một container cũng chạy.