Vụ việc 8 sinh viên nghi ngộ độc rượu tại nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) dẫn đến 2 người tử vong, 6 người cấp cứu đang khiến dư luận bàng hoàng. Được biết, trước đó nhóm 8 người này đã lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết.
Theo thông tin trên Công an nhân dân, 6 người còn lại đã tạm qua cơn nguy kịch. Khi nhập viện, các y, bác sĩ ở các bệnh viện chẩn đoán những người này đã bị ngộ độc Methanol ngày thứ 2, có nồng độ Methanol trong máu cao. Các bệnh nhân này đã được lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy…
Thực tế, từ trước đến nay đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn thường xuyên ghi nhận các ca ngộ độc methanol.
Được biết, ngộ độc rượu gồm 2 dạng. Phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm - ethanol. Nguy hiểm hơn rất nhiều là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Số vụ ngộ độc methanol có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, các bệnh nhân thường lâm tình trạng tổn thương nặng, dễ tử vong.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 7/8, chuyên gia hóa học, PGS Trần Hồng Côn cho biết bằng vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Ông Côn cho biết, cồn công nghiệp có giá rất rẻ và thường chứa lẫn methanol. Vì lợi nhuận và không muốn tốn công sức, nhiều người đã dùng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu rồi bán cho người tiêu dùng mà không chưng cất để loại methanol.
"Nếu uống rượu lẫn methanol, dù chỉ 10% cũng gây ngộ độc và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Cứu được thì dễ để lại di chứng rất đau lòng", ông nói.
Chung quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để phân biệt hai loại này, chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Còn trong dân gian có 2 cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Về cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra khi ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Một cách thử khác nhiều người áp dụng là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Về việc nhiều người thường dùng các loại nước ngọt pha vào rượu bia để uống, chuyên gia Trần Hồng Côn cho rằng việc này cũng gây hại sức khỏe. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe.
Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.
Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn, làm người uống đau đầu, chóng mặt, hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.
Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da, nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Lượng caffeine trong nước tăng lực cao khiến người uống dù say, ngừng uống vẫn tỉnh táo, gây nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.
Thêm vào đó, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.
Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Dù sử dụng ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe đồng thời cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.