Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”

Tuy Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” nhưng bộ Y tế đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, báo cáo ngay các trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ và đề xuất các biên pháp phòng chống.

Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, trước diễn biến gia tăng của các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn”, chiều ngày 8/5, bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

Kết quả thống kê đến ngày 7/5 cho thấy bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện ở 20 quốc gia ở châu Âu, Tây Thái Bình Dương và cả ở Đông Nam Á với khoảng 278 trẻ mắc, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Theo cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh này.

viet nam chua ghi nhan truong hop tre mac viem gan cap tinh bi an

Bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ hiện đã được ghi nhận tại 20 quốc gia. Ảnh minh họa

Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Các đơn vị trên được yêu cầu yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin, bệnh viêm gan cấp tính xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Đa số bệnh nhi đều hồi phục hoàn toàn nhưng có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.

Phần lớn các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt, không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). Theo WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu, nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở các bệnh nhi này hiện vẫn chưa được tìm ra, các cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra ở những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Liên quan đến bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ, sở Y tế TP.HCM đã có khuyến cáo đến các cơ sở y tễ, nhất là các bệnh viện chuyên khoa Nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp, hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như adenovirus và các tác nhân khác (nếu có), theo báo An Ninh Thủ Đô.

Các bác sĩ chuyên ngành cho biết, triệu chứng nghi ngờ bị viêm gan cần chú ý gồm ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn), sốt, đau vùng gan, vàng da, có đốm xuất huyết nhỏ…

Đinh Kim (T/h)