Việt Nam có số doanh nghiệp do "nữ tướng" dẫn dắt lớn nhất Đông Nam Á

Theo Bộ KHĐT, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 24% số doanh nghiệp do nữ làm chủ, con số lớn nhất Đông Nam Á.

Ngày 29/3, phát biểu tại Hội thảo “Tư duy lãnh đạo số cho nữ doanh nhân", bà Bùi Thu Thuỷ, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 24% số doanh nghiệp do nữ làm chủ, đây là con số cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Vai trò quan trọng trong nền kinh tế số

Đồng thời, doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời gian qua đã được Chính phủ cũng như cộng đồng đánh giá rất cao vì sự đóng góp của cải vật chất, nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế đất nước.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nữ đã thể hiện vai trò rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Đối thoại - Việt Nam có số doanh nghiệp do 'nữ tướng' dẫn dắt lớn nhất Đông Nam Á

Bà Bùi Thu Thuỷ, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Qua đó cũng tạo nguồn thu cho mỗi gia đình, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và dịch bệnh vừa qua, các nữ doanh nhân đã rất nỗ lực vượt khó nhưng không quên đi trách nhiệm xã hội, nêu cao tinh thần tương thân tương ái và chia sẻ.

Mặt khác, dù còn những gánh nặng về gia đình nhưng nhiều doanh nhân nữ vẫn luôn vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp, thậm chí còn theo hướng rất sáng tạo, nhiều doanh nghiệp nữ còn dấn thân cả ở mảng dường như chỉ dành cho nam giới như logistics, cầu đường, xây dựng, quản lý công nghiệp...

Với tư duy sáng tạo đó, doanh nhân nữ càng khẳng định được vai trò của mình hơn nữa trong bối cảnh kinh tế số. Nhất là khi chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà là việc phải làm của mỗi doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Thuỷ cho rằng tuy chuyển đổi số đã có nhiều bước tiến trong thời kỳ dịch bệnh, song các doanh nghiệp vẫn còn ở thế bị động, chưa biết nên bắt đầu từ đâu, sử dụng công nghệ nào, nguồn lực như thế nào để ứng dụng kỹ thuật số vào quy trình.

Do đó, trong năm 2022, Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành địa phương cũng sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp CĐS, trong đó, gói thứ nhất sẽ tập trung vào các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số, gói thứ hai cho các doanh nghiệp đang ở thời kỳ tăng tốc chuyển đổi số, thứ ba dành cho những doanh nghiệp định hướng phát triển ra thế giới.

Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này, giúp doanh nghiệp tham gia, đồng thời tìm kiếm nguồn lực, tư vấn đào tạo, thuê mua các giải pháp về CĐS.

Yếu tố số một để tồn tại và phát triển

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong bối cảnh hội nhập và phát triển công nghệ, muốn tồn tại và cạnh tranh với thế giới, số hoá ngày càng trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, chuyển đổi số vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đối thoại - Việt Nam có số doanh nghiệp do 'nữ tướng' dẫn dắt lớn nhất Đông Nam Á (Hình 2).

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PNJ

Thời gian qua nhiều Nghị quyết, chương trình của Chính phủ đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tuy nhiên để chuyển đổi số thành công, chính là nhận thức, tư duy của doanh nghiệp, hay nói đúng hơn là tư duy của chủ doanh nghiệp, không đơn giản chỉ là chuyển đổi về công nghệ.

Trong năm trụ cột của chuyển đổi số là văn hoá, chiến lược, gắn kết khách hàng, quy trình và cải tiến công nghệ, phân tích và xử lý dữ liệu, trong đó, tư duy số của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có tính chất quyết định giúp cho doanh nghiệp có bước đi vững chắc trong chuyển đổi số.

Nhiều phân tích, khảo sát cho rằng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, khó khăn, rào cản hơn so với nam giới về đổi mới tư duy từ truyền thống sang tư duy số. Vì vậy làm thế nào để bứt phá, vượt qua rào cản, trở thành những nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo là yêu cầu của thời đại.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại mới đến từ ba yếu tố: công nghệ số, tư duy lãnh đạo số và văn hoá số.

Theo đó, quan trọng nhất là tư duy của nhà lãnh đạo. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược, cách phát triển, khi các nhà lãnh đạo chuyển sang tư duy số - phù hợp với xu thế tất yếu, có thể nói là thuận theo tự nhiên, thì rõ ràng, sự tồn tại sẽ được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.