VNDirect lập kỷ lục thanh khoản gần 106 triệu cổ phiếu

Sau một phiên giảm quá sâu, vốn hóa thị trường của VNDirect chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa của "bốc hơi" 2.000 tỷ đồng so với nửa tháng trước.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có mức điều chỉnh quanh vùng 1.130 điểm, cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDirect bất ngờ có diễn biến giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh khi kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7 lên tới 105.878.000 cổ phiếu - mức thanh khoản cao nhất kể từ khi lên niêm yết lên sàn chứng khoán, vượt qua khối lượng khớp lệnh 72,1 triệu cổ phiếu đạt được trong phiên 19/5/2023.

Đi kèm với đó, giá trị giao dịch đạt con số xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tương ứng 12% thanh khoản của sàn HoSE. Trong suốt phiên giao dịch, cổ phiếu VND có thời điểm giảm tới mức kịch sàn còn 17.950 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng khớp ở giá sàn lên gần 13,2 triệu cổ phiếu, dư mua hơn 5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu VND đã có mức tăng nhẹ và tiếp tục giao dịch ở mức giảm giá 6,5% còn 18.050 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau một phiên ghi nhận mức giảm quá sâu, vốn hóa thị trường của VNDirect chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng. So với thời điểm nửa tháng trước, giá trị vốn hóa của công ty này đã mất hơn 2.000 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - VNDirect lập kỷ lục thanh khoản gần 106 triệu cổ phiếu

Thống kê giao dịch của cổ phiếu VND.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 17/6 vừa qua, HĐQT của công ty đã thông qua 4 phương án phát hành thêm cổ phiếu, gồm chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hơn 243,5 triệu cổ phiếu); phát hành cổ phiếu ESOP (hơn 24,3 triệu cổ phiếu); phát hành cổ phiếu thưởng (gần 12,1 triệu cổ phiếu) và chào bán hơn 234,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Nếu thực hiện thành công các đợt chào bán và phát hành trên, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng gấp rưỡi từ gần 12.200 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.

Ngoài ra, HĐQT của công ty cùng Ban điều hành đã thống nhất đặt ra mục tiêu kinh doanh trong năm 2023 là tăng trưởng thị phần môi giới đạt mức cao hơn; lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 17% so với thực hiện năm 2022.

Cũng tại Đại hội, bà Phạm Minh Hương - Tổng Giám đốc VNDirect có trả lời cổ đông rằng, công ty nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Trung Nam vì nhận thấy đây là doanh nghiệp có tiềm năng.

Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra, hay vụ việc kiên quan đến việc thu mua điện, đó là những rủi ro hệ thống.

“Do đó, rủi ro của Trung Nam, chúng tôi đánh giá đây chỉ là rủi ro tạm thời của thanh khoản, mô hình kinh tế, của chính sách, và điều này cũng nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp bảo lãnh phát hành của VNDirect”, bà Hương phát biểu.

Tuy nhiên, bà cho biết công ty không lường trước được sự bán lại của nhà đầu tư, thêm vào đó, việc xử lý của bộ phận nguồn vốn chưa được tốt. Do vậy, VNDirect buộc phải mua lại 1 lượng trái phiếu khổng lồ vào thời điểm sau vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra.

PV