Vợ sinh con sau khi chồng đã mất 3 năm, em bé chào đời vẫn là con “chính chủ”

Sau khi chồng bị tai nạn, người vợ quyết định phẫu thuật tìm tinh trùng của chồng để trữ đông, 3 năm sau mới thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con.

Đây là câu chuyện được Ths.BS Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản Trung ương) chia sẻ trên báo chí và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo chia sẻ của bác sĩ Quang, chồng của chị Quỳnh (tên đã được thay đổi) không may bị tai nạn xe máy khi trên đường đi làm về, được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc. Do tình trạng nguy kịch, gia đình đã quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức với mong muốn "còn nước còn tát". Tuy nhiên, chồng chị đã qua đời vì bị thương quá nặng.

Thời điểm chồng bị tai nạn qua đời, chị Quỳnh đang mang bầu bé thứ 2 được 8 tháng, vì muốn có thêm con với chồng, người vợ quyết định nhờ bác sĩ Nguyễn Việt Quang cùng đội ngũ các y bác sĩ BV Phụ sản Trung ương phẫu thuật để lấy và lưu trữ tinh trùng của chồng.

Người phụ nữ mang thai từ tinh trùng người chồng đã qua đời trước đó 3 năm. Ảnh minh họa. 

Sau khi chồng mất một tháng, chị Quỳnh sinh bé thứ 2. 3 năm sau, người phụ nữ này quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng đang lưu trữ đông lạnh của người chồng đã khuất. May mắn, chị đã đậu thai ngay ở lần chuyển 1 phôi đầu tiên. Trải qua quá trình mang thai không mấy dễ dàng, đến tuần thai thứ 37, chị Quỳnh đã sinh con nặng 3,4kg.

Đây không phải lần đầu tiên có người vợ sinh con từ tinh trùng chồng đã mất, trước đó vào cuối năm 2013, một người phụ nữ tên Dung (ở Hà Nội) cũng sinh hai cháu (sinh đôi) nhờ tinh trùng của người chồng đã mất trước đó vài năm.

Theo chia sẻ của chị Dung, thời điểm đó quyết định của chị vô cùng khó khăn, bởi sợ dư luận dị nghị. Vì thế, chị Dung phải đợi đoạn tang chồng mới làm IVF.

Trước khi mang thai, các bác sĩ đã tiêm thuốc kích trứng, sau đó lấy trứng thụ tinh với tinh trùng thành phôi chuyển vào tử cung chị. Ba tháng đầu có thai chị được theo dõi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thời gian sau là tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và sinh hai con tại đây.

Tỷ lệ thụ thai thành công ở tinh trùng trữ lạnh và tinh trùng tươi là ngang nhau. Ảnh minh họa. 

Các bác sĩ cho biết, việc trữ đông tinh trùng là một kỹ thuật thường quy được thực hiện bởi các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Với người không may qua đời, nhất là khi chưa có có gia đình, chưa có con, việc lấy tinh trùng còn sống ở mào tinh, trữ đông sau này sinh con là phương pháp duy trì nòi giống rất tốt.

Theo đó, tinh trùng được trữ lạnh bằng môi trường chuyên biệt và bảo quản trong nitơ lỏng ở -196 độ C trong nhiều năm. Tinh trùng ở dạng tiềm sinh, sau khi rã đông sẽ trở về trạng thái sinh lý bình thường và có thể được sử dụng để thụ tinh với noãn. Đáng nói, việc thụ tinh từ tinh trùng trữ đông và tinh trùng tươi mang lại kết quả ngang nhau. Chất lượng phôi tạo ra từ tinh trùng đông lạnh không khác biệt so với phôi tạo ra từ tinh trùng tươi.

Tuy nhiên, việc trữ đông tinh trùng có thể làm giảm tỷ lệ tinh trùng di động. Theo WHO, tỷ lệ sống sót sau trữ lạnh, rã đông khoảng 50%. Việc trữ đông tinh trùng cũng có thể gây ra một số tổn thương DNA, nhưng điều này không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của phôi thai do DNA của tinh trùng trưởng thành được cô đặc và có liên kết đặc biệt khác với các tế bào khác nhằm hạn chế tối đa khả năng bị ảnh hưởng với các tác nhân bên ngoài như sự thay đổi nhiệt độ.

LÊ PHƯƠNG.