Vụ bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An: Tạm giữ 2 chủ cơ sở

Cán bộ VKSND tỉnh Nghệ An cho biết, 2 chủ cơ sở nuôi nhốt 17 con hổ trái phép đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra, làm rõ.

 

vu bat 17 con ho nuoi nhot trai phep o nghe an tam giu 2 chu co so dspl 1

Lực lượng công an phát hiện 17 con hổ được nuôi, nhốt trái phép. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Theo ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, ngày 4/8, công an đã kiểm tra nhà bà Hồ Thị Thanh (SN 1990) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành và nhà bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, phát hiện 17 con hổ Đông Dương trong nhà.

"Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã mời bà Thanh và bà Định về trụ sở công an để làm việc, đến nay vẫn chưa về", Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết thêm.

Được biết, sau khi đưa về khu sinh thái, 8/17 con hổ được "giải cứu" từ 2 chủ cơ sở nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An đã chết. Hiện số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.

Thông tin về sự việc trước đó, Tri Thức Trực Tuyến dẫn tin từ cơ quan chức năng vào tối 4/8 cho hay, sau nhiều tháng theo dõi, hàng chục cảnh sát thuộc Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và Hồ Thị Thanh (31 tuổi, trú xóm Nam Vực, xã Đô Thành).

Tại đây, cảnh sát phát hiện 14 con hổ trưởng thành, mỗi con nặng khoảng 200 kg.

Bước đầu, chủ nhà khai nhận mua số hổ này từ Lào khi còn nhỏ, sau đó cải tạo hệ thống chuồng trại với diện tích khoảng 80 m2 để nuôi nhốt.

Cùng thời điểm, cảnh sát cũng phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, trú xóm Phú Xuân, xã Đô Thành) đang nuôi nhốt 3 con hổ trưởng thành, trọng lượng 225-265kg.

Bà Đinh khai nhận, đã xây hầm trong khuôn viên vườn nhà với diện tích 120 m2, phân thành các chuồng sắt rộng chừng 4 m2 để nuôi nhốt hổ. Do các chuồng trại nuôi hổ được xây dựng khép kín, tách biệt nên người ngoài khó phát hiện.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định 17 cá thể hộ bị nuôi nhốt trái phép là loài hổ Đông Dương, nằm trong danh mục động vật cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam.

Sau đó, 17 con hổ được bắn thuốc mê, dùng cẩu di chuyển lên các xe, đưa về một khu sinh thái ở xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để chăm sóc tạm thời, phục vụ điều tra.

Người dân địa phương cho biết họ khá bất ngờ và không hay biết việc "nuôi hổ như nuôi heo" của hai hộ gia đình trên. Chỉ khi công an tới khám xét, đưa hàng chục con hổ ra ngoài họ mới ngỡ ngàng.

Thủy Tiên (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật