Vụ cướp ngân hàng ở Hải Phòng: Xử lý ra sao với chiếc "thần sấm" Kawasaki ZX-10R, giá 729 triệu đồng?

Sau khi uy hiếp nhân viên ngân hàng Vietcombank ở Hải Phòng và cướp đi gần 3 tỷ đồng, nghi phạm Nguyễn Văn Nam đã "sắm" ngay xe Kawasaki Ninja ZX-10R có giá khoảng 729 triệu đồng.

Chiều 9/1, Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hải Phòng đã di lý Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú tại huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng) từ nơi bắt được đối tượng (Thái Nguyên) về địa phương.

Nam là nghi phạm dùng súng uy hiếp nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ (phường Đông Hải 2, Hải An, Hải Phòng) cướp đi 3 tỷ đồng.

Lực lượng Công an thu giữ từ nghi phạm hai khẩu súng, một khoản tiền mặt và một xe phân khối lớn. Đáng nói, chiếc xe phân khối lớn Kawasaki ZX-10R 2021, được mệnh danh "thần sấm", có giá niêm yết khoảng 729 triệu đồng được Nam mua chỉ ngay trước khi bị bắt một ngày. Đối tượng mua chiếc xe nổi bật này làm phương tiện chạy trốn.

Đáng nói, trước khi bỏ trốn, Nam về nhà chôn bớt tiền, đưa cho người yêu một ít và nói sẽ đi vắng vài ngày.

vu cuop ngan hang o hai phong xu ly ra sao voi chiec than sam kawasaki zx 10r gia 729 trieu dong

Sau khi cướp ngân hàng xong, Nguyễn Văn Nam đã đi mua xe phân khối lớn Kawasaki. (Ảnh: Zing)

Vậy chiếc xe mà Nam dùng tiền cướp được để mua và đưa tiền cho bạn gái sẽ được xử lý thế nào?

Trao đổi với PV ĐS&PL, Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đánh giá: Với số tiền 3 tỷ đồng cướp được từ ngân hàng (trên 500 triệu đồng), Nguyễn Văn Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4, Điều 168, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, Nam có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về chiếc xe mô tô mà Nam đã dùng tiền cướp của ngân hàng để mua, luật sư Vũ Quang Bá cho hay, theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định xem giao dịch mua bán xe nêu trên có hợp pháp hay không.

Nếu giao dịch mua bán xe hợp pháp và đã các bên thực hiện xong giao dịch mua bán thì người bán xe được xem là người thứ ba ngay tình theo quy định Bộ luật Dân sự 2015.

Trong trường hợp này, người bán sẽ không phải trả lại hay bị truy thu, tịch thu số tiền bán xe. Chiếc xe do có nguồn gốc được mua từ tài sản do phạm tội mà có, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sẽ bị thu giữ, bị phát mãi để thu tiền trả lại cho bên ngân hàng.

Vị luật sư phân tích thêm, theo lời khai ban đầu của Nam, sau khi thực hiện hành vi cướp tiền ở ngân hàng, Nam có đưa cho bạn gái tiền. Trường hợp bạn gái Nam biết Nam là người thực hiện hành vi cướp tài sản, nhưng lại giúp Nam cất giấu số tiền từ vụ cướp hoặc không tố giác hành vi phạm tội của Nam tới các cơ quan có thẩm quyền thì tùy từng trường hợp, bạn gái Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm hoặc tội Không tố giác tội phạm.

Trường hợp ngay từ đầu Nam và bạn gái đã có trao đổi, bàn bạc về việc thực hiện vụ cướp, trong đó bạn gái Nam sẽ thực hiện việc giúp Nam cất giấu tiền của vụ cướp thì bạn gái Nam còn có thể được xác định là đồng phạm với Nam về tội cướp tài sản với vai trò người giúp sức.