Vũ khí "tối thượng" trên chiến trường Ukraine, miễn nhiễm mọi thiết bị gây nhiễu

Cho đến nay, pháo binh vẫn là vũ khí không thể thiếu, đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Sau hơn 2 năm xung đột nổ ra, chiến trường Nga - Ukraine chứng kiến nhiều đổi thay trong chiến lược và công nghệ quân sự của cả hai phe. Giữa những biến chuyển đó, pháo binh vẫn giữ vững vị thế "vua chiến trường" đóng vai trò then chốt trong giúp 2 bên giành lợi thế trên chiến trường.        

CNN từng dẫn nguồn tin cho biết, Nga bắn khoảng 10.000 viên đạn pháo mỗi ngày trong khi Ukraine bắn khoảng 2.000 viên mỗi ngày. Sự phụ thuộc vào pháo binh của 2 bên được nhận định sẽ tiếp kéo dài, ngay cả khi họ có thể phát triển những chiến thuật mới, tích hợp công nghệ tiên tiến để tăng cường hỏa lực.

Cả Nga và Ukraine đều kế thừa học thuyết quân sự Liên Xô, đặc biệt trong việc sử dụng đạn pháo hạng nặng làm nòng cốt khi tập trung triển khai các hệ thống pháo binh tại những vị trí chiến lược, tạo thành hỏa lực áp đảo, chặn đứng các cuộc tấn công của đối phương.

Các loại đạn pháo giữ vững vị thế "vua chiến trường" trong xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Telegraph

Các loại đạn pháo giữ vững vị thế "vua chiến trường" trong xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Telegraph

Đến nay, quân đội Ukraine đã triển khai các hệ thống pháo binh dày đặc bên trong và xung quanh các công sự phòng thủ tại Lugansk, Donetsk và Kharkov. Với kế hoạch trụ vững ít nhất 6 tháng tới, họ không ngừng gia cố các tuyến phòng thủ bằng chướng ngại vật và sử dụng pháo binh để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng xe tăng, thiết giáp của Nga. Chiến thuật này đã buộc Nga phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang tấn công theo từng nhóm nhỏ để tìm cách xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine.        

Về phía Nga, họ sử dụng chiến thuật tập trung hỏa lực pháo binh lớn để phá hủy các công sự phòng thủ của Ukraine. Mục tiêu chính là vô hiệu hóa các hệ thống pháo của đối phương, đồng thời yểm trợ hỏa lực cho các đợt tấn công bộ binh. Điều này này buộc binh sĩ Ukraine phải tìm chỗ ẩn nấp, từ đó làm suy yếu khả năng phòng thủ các cứ điểm.        

Pháo binh của cả Nga và Ukraine đều rất đa dạng, từ các hệ thống cũ kỹ thời Liên Xô đến những loại hiện đại nhất. Ukraine tận dụng tối đa các hệ thống pháo cũ như 2S3 Akatsiya kết hợp với các loại pháo tối tân do NATO viện trợ như M109 Paladin (Mỹ), AS-90 (Anh) và CAESAR (Pháp). Không chỉ vậy, Kiev còn tự sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana với sự hỗ trợ một phần từ nguồn viện trợ nước ngoài.        

Trong khi đó, Nga sở hữu lực lượng pháo binh hùng hậu nhất thế giới, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác, thậm chí gấp 3 lần số lượng pháo binh của Mỹ. Quân đội Nga sử dụng kết hợp cả pháo tự hành từ thời Liên Xô như 2S19 Msta-S với các hệ thống hiện đại hơn như 2S33 Msta-SM2. Với mạng lưới cung ứng mạnh mẽ, ngành công nghiệp quốc phòng Nga có khả năng sản xuất tới 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chiến đấu của quân đội.        

Khác với các loại máy bay không người lái từng được cho là có thể thay đổi tình thế ngoài mặt trận, các loại đạn pháo không có hệ thống dẫn đường bên trong và rất khó bị gây nhiễu nên trở thành vũ khí đáng tin cậy để tiêu diệt mục tiêu đối phương. Trong bối cảnh tác chiến điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng, Nga và Ukraine có thể sẽ tăng cường sử dụng các hệ thống pháo truyền thống này.        

Để thích ứng với chiến trường hiện đại, cả Nga và Ukraine đều không ngừng kết hợp pháo binh với các công nghệ tiên tiến. Điển hình là việc ứng dụng rộng rãi các thiết bị tác chiến điện tử, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả của pháo binh trong các hoạt động quân sự.        

Theo Forbes

Phương Uyên (T/h)/Đời sống Pháp luật