Xuất hiện trong clip là hình ảnh một nữ sinh áo đen tỏ ra hung hăng và bắt bạn học khác quỳ gối. Chưa dừng lại, nữ sinh này còn liên tục mạt sát bạn học với lời lẽ cay độc, thiếu văn hóa... Tiếp đó, nữ sinh này vung tay tát liên tiếp vào mặt nạn nhân. Nữ sinh bị đánh không kháng cự mà chỉ im lặng, ôm mặt đau đớn.
Đặc biệt, trong clip một nam sinh khác cũng tham gia vào hành hung khi xô đẩy, thẳng tay tát vào mặt nữ sinh. Chỉ đến khi nạn nhân tỏ vẻ đau đớn và bỏ đi, nam sinh này mới dừng lại. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra sự việc, trong lớp có nhiều học sinh khác nhưng không ai có lời nói hay hành động can ngăn.
Sau khi đăng tải, đoạn clip đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Đa số cư dân mạng đều tỏ ra bức xúc trước hành vi hành hung bạn học này. Một số bày tỏ mong muốn nhà trường và cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nghiêm hành vi bạo lực.
Trao đổi với phóng viên VOV, bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He, huyện Văn Quan xác nhận sự việc xảy ra tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Bà Hoàng Thị Hiếu cũng cho biết hiện nhà trường đã mời các học sinh liên quan và phụ huynh đến để làm việc.
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý Trần Ly (THCS Ngô Sĩ Liên, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, so với trước đây, một số nữ sinh bây giờ có xu hướng bạo lực nhiều hơn nam giới.
Nói về nguyên nhân, vị chuyên gia phân tích: “Tôi nghĩ đa phần là do cách giáo dục của cha mẹ với con cái. Nhiều bậc cha mẹ dạy con gái rằng cần phải mạnh mẽ để tự bảo vệ mình trước mọi sóng gió, thử thách của cuộc đời. Rồi có người nói với con, con gái chân yếu tay mềm, thiệt thòi đủ thứ nên con phải tự mình vươn lên, tự bảo vệ mình… Cũng xuất phát từ những suy nghĩ này mà những cô gái mới lớn đã tự cho mình quyền được “bình đẳng giới”, chúng không ngại thể hiện bản thân và tự mình quyết định mọi chuyện”.
Từ vụ nữ sinh đánh bạn cùng học nói trên, vị chuyên gia cho rằng: “Theo tôi, cần xử lý nghiêm hành vi đánh bạn học dã man như thế. Phải nghiêm mới đủ sức răn đe những bạn trẻ còn ngỗ ngược khác".
Về phía gia đình, chuyên gia Trần Ly đưa ra lời khuyên, bố mẹ cần phải thấu hiểu, nắm bắt được sự thay đổi tính cách của con. Đặc biệt là nắm được “tính cách ngầm” của đứa trẻ.
"Cha mẹ cần nhớ: “Đứa trẻ ở trường khác đứa trẻ ở nhà”. Chúng có thể là đứa trẻ nghe lời, lễ phép với cha mẹ ông bà, nhưng đến trường chúng bộc lộ cá tính khác. Bởi lẽ, ở trường chúng nghĩ rằng mình đơn độc, mình cần mạnh mẽ mới bảo vệ được bản thân.
Có những bố mẹ đã sốc khi biết đứa con ngoan ngoãn ở nhà đến trường lại là “anh cả, chị đại”. Bởi vậy, dù công việc bận rộn, mưu sinh vất vả nhưng mỗi người mẹ nên dành 30 phút để trò chuyện cùng con mỗi ngày. Sau đó, dần dà, khơi gợi những điều khiến con không hài lòng về ngày hôm đó. Từ đây, hãy giúp con tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải", vị chuyên gia đưa ra nhận định.
Ngoài ra, cha mẹ không thể đổ lỗi cho xã hội, cho bạn bè đứa trẻ bởi vì hoàn toàn không có một xã hội trong vắt như pha lê, ở bất kỳ đâu, xã hội cũng luôn luôn có người này người kia. Vì vậy, điều quan trọng, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục đứa trẻ để có thể bài trừ cái xấu và đón nhận cái tốt.
Tiểu Chiến - Người Đưa Tin