Vượt “bão Covid”, ngành giáo dục ở “lưng trời” Tây Bắc vẫn có nhiều điểm sáng

Năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái vẫn có nhiều khởi sắc dù đứng trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Linh hoạt đưa “con thuyền” giáo dục vượt “bão Covid”

Năm học 2020-2021, trước ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT Yên Bái đã nỗ lực thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch và hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, trong giai đoạn này, sở GD&ĐT cũng đã triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, Sở đã có các văn bản khẩn chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; kích hoạt, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch và tổ chức hoạt động giáo dục thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ngành đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, kịch bản dạy học theo các cấp độ phù hợp với từng đơn vị, địa phương; sẵn sàng, chủ động, kịp thời chuyển phương án theo diễn biến của dịch bệnh đồng thời tăng cường chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức dạy học. Thời điểm này, toàn tỉnh đang có 49 trường và 3 nhóm trẻ cho học sinh tạm dừng đến trường, trong đó học sinh các trường phổ thông học trực tuyến.

dt-2422020920-ht1-1639331448.jpg
Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái linh hoạt hình thức dạy học cho học sinh trước diễn biến dihcj Covid-19.

Trước đó, ngay thời điểm bắt đầu năm học mới, ông Vương Văn Bằng (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái) đã đề nghị các nhà trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong trường học để cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không lơ là, chủ quan; thông tin đầy đủ đến cha mẹ học sinh và học sinh phương án dạy học của nhà trường theo diễn biến dịch bệnh tại địa phương.

Đồng thời, Giám đốc Sở yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch đảm bảo thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, quan tâm có các giải pháp làm giảm nguy cơ dịch bệnh.

223195-dt-301120211713-30-11-dothanhiet-1639331319.jpg
Đảm bảo đo thân nhiệt cho học sinh khi đến trường.

Vị lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học chủ động rà soát thông tin đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh các trường hợp, các đối tượng có liên quan đến dịch Covid-19 một cách đầy đủ, kịp thời chính xác.

Những điểm sáng đáng ghi nhận

Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết số 70 và Nghị quyết 71 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 và thông qua một số đề án phát triển GD&ĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 56 trường học được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh bán trú, 29 trường học được hỗ trợ chính sách kinh phí quản lý học sinh bán trú.

Cụ thể: 56 trường học được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh bán trú với số tiền hỗ trợ 4.647 triệu đồng; 29 trường học được hỗ trợ chính sách kinh phí quản lý học sinh bán trú với 43 định suất, kinh phí hỗ trợ 508 triệu đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ ăn trưa: có 24 trường phổ thông dân tộc bán trú với 4.345 học sinh được hưởng chính sách với 3.924 triệu đồng...

Về thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 71, đến hết ngày 30/9/2021, tỉ lệ huy động trẻ em ra nhóm, lớp mẫu giáo đạt 93,9%; nhà trẻ đạt 20,6%; so với mục tiêu Đề án chưa đạt chỉ tiêu theo lộ trình. Về chất lượng: 100% nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,8%; 173/173 xã, thị trấn duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đối với Đề án thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 57 trường, 2.817 lớp, 88.368 học sinh, số trẻ được huy động ra lớp 1 là 17.860; tỉ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 99,89%. Số lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày đạt 100%; so với mục tiêu Đề án: giảm 57 lớp, giảm 9 học sinh; tỉ lệ huy động trẻ ra lớp và số lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ ngày, đạt 100% mục tiêu. Giáo dục THCS có 15.792/ 15.792  học sinh lớp 6 được học chương trình giáo dục phổ thông 2018, đạt 100% mục tiêu Đề án.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái khẳng định: “Sau một năm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa, đối với học sinh lớp 1 cơ bản đã đạt được các yêu cầu của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, năng lực và phẩm chất; học sinh tự tin, tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập, tỉ lệ học sinh hoàn thành môn học, hoạt động giáo dục và đạt các năng lực, phẩm chất cao hơn so với năm học 2019 - 2020.

anher-18-1639331552.jfif
Ông Vương Văn Bằng (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái) điểm lại một số khó khăn và những thành tựu bước đầu trong giáo dục những năm qua.

Về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện đã công nhận được 6 trường, nâng tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 263 trường, đạt 59,2%.

Sở đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ của 20 trường, dự kiến đến hết năm 2021 đưa số trường chuẩn quốc gia lên 283 trường, đạt 63,7%. Đối với tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của Đề án phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái) giai đoạn 2021 - 2025, năm học 2021 - 2022, tỉ lệ học sinh đỗ đại học là 98,2%, vượt chỉ tiêu Đề án; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được đảm bảo theo đúng lộ trình của Nghị quyết đã đề ra”.

Thực tế, sau gần một năm thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: các trường tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh học 2 buổi/ ngày theo Nghị quyết số 70 không được cấp kinh phí thuê nhân viên nấu ăn.

 Do vậy, khó khăn cho việc tổ chức nấu ăn tập trung; việc chi trả chế độ hỗ trợ quản lý học sinh bán trú chưa kịp thời; việc triển khai Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tác động đến chính sách hỗ trợ của học sinh...

Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại trên, ngành giáo dục Yên Bái vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm học 2020-2021, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, tỉ lệ bỏ học giảm; giáo dục mũi nhọn trong năm đều tăng cả về chất lượng và số lượng; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng cao hơn so với năm học trước, tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành trên toàn quốc.