‘Tiên học lễ, hậu học văn’: Giáo dục không phải chỉ đi theo một khẩu hiệu!

Đề xuất chấm dứt khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ của GS. Trần Ngọc Thêm đang gây ra nhiều tranh cãi. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới giáo dục là ở phương pháp chứ không phải chỉ thay đổi khẩu hiệu.

Ngày nay, không mấy ai hiểu ‘lễ’ theo quan điểm Nho giáo

Đề xuất chấm dứt khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ của GS. Trần Ngọc Thêm (trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, đã tạo ra “làn sóng” tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến trên.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, ThS. Phan Thế Hoài (giáo viên Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ: “Tôi hoàn toàn không tán thành với quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm, khi ông cho rằng: Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”.

bo-bien-che-suot-doi-them-mo-t-no-i-lo-khie-n-gia-o-vien-kho-ga-n-bo-vo-i-nghe1-1637944312.jfif
Khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đề cao giáo dục đạo đức, nhân cách, trước khi trở thành một nhân tài. (Ảnh minh họa).

“Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng, GS. Trần Ngọc Thêm muốn nói đến chữ ‘lễ’ - một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục của thời phong kiến. “Chữ ‘lễ’ theo Hán Nho là phải ‘biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên’. Trần Văn Giàu viết: ‘Lễ’ trở thành những hình thức ràng buộc. Ràng buộc của ‘lễ’ phong kiến rất phiền phức, khó chịu”, trích tham luận của của GS. Trần Ngọc Thêm.

Thế nhưng, ngày nay cũng không mấy ai (kể cả giáo viên) hiểu tường tận nghĩa của chữ ‘lễ’ trong câu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ theo quan điểm Nho giáo. Học sinh hiểu đơn giản ‘lễ’ là đạo đức được thể hiện qua việc ứng xử với thầy cô, cha mẹ…; tuân thủ nội quy kỷ luật nhà trường để rèn luyện hạnh kiểm; thượng tôn pháp luật, ví như tuân thủ luật giao thông - hay nói cách khác, ‘lễ’ đã được mở rộng nội hàm về khái niệm.

132882502-1042156952952359-3276737263738862747-n-1637944331.jpg
Theo ThS. Phan Thế Hoài, ngày nay cũng không mấy ai (kể cả giáo viên) hiểu tường tận nghĩa của chữ ‘lễ’ trong câu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ theo quan điểm Nho giáo.

Còn ‘văn’ có nghĩa là chữ, là kiến thức của loài người được tích lũy qua nhiều thế hệ. Muốn trở thành người có ‘lễ’ thì phải học ‘văn’, tức là học kiến thức. Và trong giáo dục, ứng xử, giao tiếp thì con người phải lấy ‘lễ’ (tức là đức) làm trọng. Cũng vì lẽ đó, Bác Hồ đã từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó…”.

Ở bất kỳ thời đại nào cũng hoàn toàn đúng, không nhất thiết phải bỏ

Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) bày tỏ trước đề xuất bỏ ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ của GS. Trần Ngọc Thêm, đang gây nên “làn sóng” tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: “Tôi không đồng ý quan điểm như vậy bởi với mỗi một con người, ‘đức’ là cái gốc cơ bản. Ở đây có thể hiểu ‘lễ’ tức là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình, cơ quan, nhà trường…, đức rất quan trọng.

Người không có đức nghĩa là không có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Vì vậy, trong triết lý giáo dục của nhiều gia đình, việc dạy con trước hết phải dạy hiếu nghĩa, đức hạnh với ông bà, cha mẹ. Cho dù người đó giỏi bao nhiêu chăng nữa nhưng không có đạo đức thì không chấp nhận được.

Và cho dù ở bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đều hoàn toàn đúng nên không nhất thiết phải bỏ”.

anh-2-pgsts-tran-xuan-nhi-sao-chep-1637944419.JPG
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cho dù ở bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đều hoàn toàn đúng nên không nhất thiết phải bỏ.

Theo TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục), các giáo sư cho rằng chữ ‘lễ’ là áp đặt; điều này có thể đúng với góc nhìn của những người xưa; còn với người nay, ‘lễ’ không đến mức như giáo lý phong kiến, không phải là lề thói, ‘lễ’ là lễ phép, là ứng xử tử tế và đạo đức nhân cách.

“Thử tưởng tượng, nếu một đứa trẻ xưng hô ‘mày - tao’ với người lớn, hay gặp người lớn cũng không chào hỏi..., bạn là cha mẹ có chấp nhận được không? Vậy giờ lại bỏ ‘lễ’, đạo đức các con sẽ ra sao?

Nhìn rộng ra chút, các nước phương Đông vẫn giữ khá nhiều nếp cũ, nhưng họ vẫn cởi mở đón nhận những tư tưởng mới, đón nhận cách suy nghĩ mới. Tân cổ luôn có nhiều điều đáng học hỏi. Giáo dục mà thản nhiên đập bỏ truyền thống để hy vọng tân tiến sẽ vào là cách làm thiếu thận trọng, đôi khi hối không kịp.

Nếu theo khẩu hiệu trên, giờ Đạo đức phải chiếm 30 - 50% mới đúng, đâu phải là một môn học ‘phụ’ mà các thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đều chưa chú trọng như hiện tại.

Hơn nữa, các trường học bây giờ đâu bắt buộc phải treo khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’. Mỗi trường có thể có những slogan của riêng mình. Vậy lý do gì phải “khai tử” một trong các khẩu hiệu vốn rất quan trọng với giáo dục?”, vị chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi.

“Chưa kể, khi phá bỏ một khẩu hiệu, hệ quả có thể sẽ rất lớn. Nếu phá bỏ thì sẽ có một bộ phận ngầm hiểu rằng khẩu hiệu đó không đúng, và vì không đúng nên mới phá bỏ. Tất nhiên, ta không thể đi kè kè bên cạnh để giải thích mãi cho mọi người rằng điều đó không sai... Nếu chúng ta “đập hết đi để xây lại”, rất dễ dẫn đến hiệu ứng ngược, con trẻ có thể làm ngược lại hết tất cả những điều đã được dạy trước đó”, TS. Vũ Thu Hương nói thêm.

Đổi mới giáo dục không phải chỉ thay đổi khẩu hiệu

Nhắc đến mục tiêu “khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” mà GS. Trần Ngọc Thêm chỉ ra, nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ lại phân tích: “Tôi cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, quan trọng là hiểu về nội hàm của vấn đề. Trước hết nội dung chương trình như thế nào và thứ hai là phương pháp dạy ra sao. Muốn đổi mới giáo dục, phải đổi mới hai vấn đề này, thay vì thay đổi các câu khẩu hiệu.

Nói cách khác, muốn khuyến khích học sinh phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ hậu học văn’ ra khỏi trường học mà người thầy phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ.

Trước đây, chúng ta dạy theo phương pháp truyền đạt, thầy đọc - trò chép. Còn trong thực tế hiện nay, phương pháp dạy đã khác trước rất nhiều, thầy cô và học sinh cùng tìm hiểu để phát huy năng lực, tăng cường tư duy phản biện của học sinh để trí tuệ của các em rộng rãi, phong phú hơn.

Tôi cho rằng, đấy là phương pháp đổi mới giáo dục rất tích cực. Bên cạnh đó, phải chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường. Dạy trẻ em, trước hết phải dạy cách làm người như thế nào, thay vì chỉ chăm chăm dạy chữ”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Thu Hương cũng chỉ ra: “Hiện nay, cái tôi của trẻ Việt đã được đẩy lên quá cao. Giáo dục khai phóng quan tâm đến quan niệm và ý tưởng của trẻ, điều đó là rất đúng, tuy nhiên, ở một số gia đình và trong lớp học bây giờ, ý thích của trẻ cũng được đẩy lên tột bậc. Điều này gây nguy hại cho tính cách của trẻ rất nhiều. Có kha khá các gia đình đã nhận ra và cảm thấy hối hận khi đáp ứng mọi yêu cầu và sở thích của con.

ts-vu-thu-huong-sao-chep-1637944419.JPG
TS. Vũ Thu Hương phân tích: Giáo dục nhiều vấn đề rõ ràng đến từ nếp quản lý cổ hủ, lạc hậu, nhiều bất cập, chứ đâu đến từ một khẩu hiệu?

Chúng ta chỉ nên tôn trọng những ý kiến đúng, những sáng kiến, quan điểm đúng, chứ không phải là bất cứ điều gì. Giáo dục khai phóng thì ý kiến, quan điểm của học sinh cũng phải tuân theo 2 thứ là pháp luật và văn hóa...”.

“Giáo dục Việt Nam nhiều vấn đề trong những năm gần đây, là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Giáo dục nhiều vấn đề rõ ràng đến từ nếp quản lý cổ hủ, lạc hậu, nhiều bất cập, chứ đâu đến từ một khẩu hiệu.

Nguy hiểm nhất là, nếu người ta nghĩ rằng nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tồn tại trong giáo dục là do khẩu hiệu, rồi từ đó nghĩ rằng phá bỏ khẩu hiệu là đã đổi mới thành công, và họ sẽ “khoanh tay”, không tiếp tục tìm cách giải quyết.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu giáo dục một cách hệ thống và bài bản hơn!”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tuệ Linh