WHO cảnh báo căng thẳng ở Ukraine khiến đại dịch COVID-19 tồi tệ hơn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại rằng căng thẳng tại Ukraine có thể làm đại dịch COVID-19 trở nên trầm trọng hơn tại quốc gia này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 (giờ địa phương) cho biết, căng thẳng ở Ukraine có thể làm đại dịch COVID-19 trở nên trầm trọng hơn và họ đang cố gắng làm nhiều hơn nữa để hạn chế sự lây lan của virus, CNN đưa tin.

Ca mắc COVID-19 tại Ukraine đã giảm so với tuần trước nhưng các trường hợp bệnh nặng và tử vong do tỷ lệ tiêm chủng thấp có nguy cơ tăng, cũng như trong số hơn 2 triệu người đã rời khỏi đất nước đến các khu vực và vùng lân cận cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Ukraine hiện tại là khoảng 34%, trong khi nước láng giềng Moldova là khoảng 29%, theo dữ liệu của Our World In Data.

Trong báo cáo được WHO công bố ngày 13/3, từ ngày 3-9/3, có tổng cộng 791.021 trường hợp COVID-19 mới và 8.012 trường hợp tử vong ở Ukraine và các nước lân cận.

who canh bao cang thang o ukraine khien dai dich covid 19 toi te hon copy

Người tị nạn từ Ukraine đến Medyka, Ba Lan sau khi vượt biên từ Shehyni vào ngày 25/2. Ảnh: AP.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết: “Thật không may, loại virus này sẽ có cơ hội tiếp tục lây lan. Chúng tôi với tư cách là một tổ chức nhận ra rằng các quốc gia đang ở trong những tình huống rất khác nhau; họ đang đối mặt với nhiều thách thức. Có rất nhiều người tị nạn di chuyển trong cuộc khủng hoảng này".

Tuần trước, Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, cho biết sẽ có sự gia tăng của các ca mắc COVID-19 ở Ukraine. Ông cho rằng sự gia tăng dự đoán là do thiếu xét nghiệm, chiến dịch tiêm vaccine bị đình trệ, tình hình căng thẳng do chiến tranh và tỷ lệ tiêm chủng vốn đã thấp.

Tại Hungary, những người tị nạn Ukraine được tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí và WHO cũng đã cung cấp hỗ trợ trong phòng thí nghiệm bao gồm thử nghiệm COVID-19.

Bộ Y tế Romania đã cử các đoàn y tế đến xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người Ukraine chạy trốn khỏi đất nước của họ.

Trong một tuyên bố chung với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vàQuỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), WHO kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ukraine. Tính đến 13/3, đã có 31 cuộc tấn công được xác nhận vào các cơ sở này.