WHO khuyến cáo người đã tiêm chủng về biến thể Delta

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người đã tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang khi biến thể Delta lây lan rộng.
delta-1624676349.jpeg
WHO khuyến cáo người đã tiêm chủng tiếp tục đeo khẩu trang ngừa biến thể Delta. Ảnh: AFP/Getty

WHO ngày 25.6 kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hành các biện pháp an toàn chống đại dịch COVID-19 khác khi biến thể Delta rất dễ lây lan nhanh trên toàn cầu.

“Mọi người không được cảm thấy an toàn chỉ bởi đã tiêm 2 liều vaccine. Họ vẫn cần tự bảo vệ mình" - Tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc WHO về quyền tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế, cho biết trong cuộc họp báo từ trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO nói thêm: “Chỉ riêng vaccine sẽ không ngăn được sự lây truyền trong cộng đồng. Mọi người cần tiếp tục sử dụng khẩu trang một cách nhất quán, ở trong không gian thông thoáng, vệ sinh tay... giữ khoảng cách hợp lý, tránh đông đúc".

Trợ lý Simao nhấn mạnh, những biện pháp ngăn ngừa COVID-19 "vẫn tiếp tục cực kỳ quan trọng" với các cá nhân đã tiêm vaccine khi vẫn đang có lây nhiễm cộng đồng.

Khuyến cáo của WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia, trong đó có Mỹ, phần lớn đã loại bỏ quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa liên quan đến đại dịch khi tiêm chủng giúp giảm số ca nhiễm mới và tử vong.

Các quan chức của WHO cũng yêu cầu những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn vì phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và các biến thể rất dễ lây lan, như Delta, đang lây lan ở nhiều quốc gia, làm bùng phát dịch bệnh.

Tờ Wall Street Journal đưa ngày 25.6 rằng khoảng một nửa số người lớn bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Delta ở Israel đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Pfizer-BioNTech. Chính phủ Israel đã phải ra quy định lại bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian công cộng kín cùng các biện pháp khác.

“Đúng, bạn có thể giảm bớt một số biện pháp và các quốc gia khác nhau được khuyến nghị khác nhau về vấn đề đó nhưng vẫn cần phải thận trọng. Như chúng ta đang thấy, có những biến thể mới đang nổi lên” - Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO, lưu ý.

Tuần trước, WHO xác nhận Delta đang trở thành biến thể thống trị của dịch bệnh trên toàn thế giới.

Biến thể được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hiện có mặt ở ít nhất 92 quốc gia. Biến thể Delta là chủng virus Corona nhanh nhất và vừa vặn nhất sẽ tấn công những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, các quan chức WHO lưu ý.

Biến thể Delta cũng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận những kết luận này. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy biến thể Delta có thể gây ra các triệu chứng khác với các biến thể khác.

Nó có khả năng “gây chết người cao hơn vì hiệu quả hơn trong cách lây nhiễm giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm những người dễ bị tổn thương, những người sẽ bị bệnh nặng, phải nhập viện và có khả năng tử vong”, Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cảnh báo.

Theo Laodong.vn