Xóm chạy thận hiện là nơi cư trú của khoảng hơn 132 bệnh nhân đến từ các địa phương khác nhau. Mỗi người thuê một căn nhà nhỏ với giá từ khoảng 1 đến 2 triệu đồng một tháng làm nơi trú ngụ. Ban ngày họ mưu sinh bằng các gánh hàng rong, nhặt ve chai nhằm trang trải cuộc sống cũng như chi trả chi phí chữa bệnh.
Khi khó khăn chồng chất khó khăn
Chia sẻ với Người Đưa Tin, tổ trưởng xóm chạy thận, ông Mai Anh Tuấn cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cư dân tại xóm chạy thận phần lớn đều phải gác lại công việc mưu sinh thường ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe. Thế nhưng họ vẫn phải đều đặn 3 lần/tuần chạy thận và chi trả tiền nhà, thuốc men. Từ đó dẫn đến khó khăn trong tài chính.
Mắc trong mình căn bệnh mãn tính, nay lại thêm nỗi sợ Covid-19, ông Hùng đã 11 năm chạy thận, quê Bắc Giang chia sẻ: “Khiếp sợ lắm nên phải cố mà giữ mình. Đã bị bệnh thận rồi mà mắc thêm Covid-19 nữa thì chỉ có chết chứ chạy đi đâu được”.
Cuộc sống của ông Hùng và vợ, bà Sáu những ngày này chỉ xoay quanh khu trọ, bệnh viện mà theo như ông bà chia sẻ thì đó là “chuỗi tuần hoàn vô tận”. Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp thế nên đã gần 1 năm nay, vợ chồng ông chưa được về thăm quê lần nào.
Xác định gắn phần đời còn lại của mình tại xóm chạy thận, thêm vào đó là lịch chạy thận 3 lần/tuần đều đặn, những bệnh nhân nơi đây kiếm thêm chút “đồng ra đồng vào” bằng những công việc vặt, không cố định nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. “Nữ thì bán hàng rong, nhặt ve chai, bán nước trộm. Nam thì chạy xe ôm, đánh giày,...” - chủ trọ, bà Phạm Thị Quyến cho hay. Từ khi thành phố có lệnh giãn cách, phần lớn những người ở xóm chạy thận đều phải gác lại công việc mưu sinh. Điều đó đồng nghĩa với việc mất hẳn sinh kế, tất cả đều chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của người khác.
Bà Bùi Thị Yên (chạy thận 9 năm) ngoài “công việc chính” chạy thận thì kiếm thêm bằng việc bán nước chè loanh quanh khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. Dịch bệnh phức tạp, bà chỉ biết “kêu cứu người nhà”. Khoản tiền tiết kiệm từ công việc lặt vặt trước đây tích cóp cũng đã sắp cạn kiệt. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vừa mới đây bà còn gặp tai nạn trên đường đi chạy thận về để lại những vết xước chằng chịt trên gương mặt.
Không khá khẩm hơn bà Yên là mấy, vợ chồng ông Hùng cũng đã tiêu sạch hết khoản tiền tiết kiệm từ công việc nhặt ve chai của bà Sáu trước dịch, giờ chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp của các con gửi lên. Thế nhưng mà, “ở quê cũng đang dịch, chẳng dư dả gì cho cam”... Biết vậy, họ ăn uống tằn tiện hẳn đi. Bữa cơm trong phòng trọ chưa đến chục mét vuông đôi khi chỉ là củ khoai, bát cơm trắng muối vừng qua bữa.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Khó khăn, hoạn nạn là vậy, thế nhưng với niềm lạc quan, tin yêu với đời, nụ cười vẫn nở trên đôi môi xám ngoét đi vì kháng sinh của họ. Trong khoảng sân sinh hoạt chung chỉ vài mét vuông của khu trọ nghèo thi thoảng vẫn vang lên tiếng ngân nga.
Nhận cái “án tử” thường trực từ khi mới chỉ mười tám, đôi mươi, thế nhưng, chị Oanh (32 tuổi) chưa lúc nào thôi hy vọng, luôn tếu táo khi chia sẻ về chặng đường “mới chỉ” 14 năm chạy thận của mình.
Hơn 130 cư dân chạy thận là hơn 130 mảnh đời khác nhau. Các bệnh nhân tứ xứ tha phương gặp nhau ở cùng một khu trọ nghèo, họ coi nhau như người nhà, cùng san sẻ với nhau những khó khăn, cùng động viên nhau đứng lên sau đại dịch…
Trong cơn bão giông, tình người xóm chạy thận được cảm nhận thấm thía hơn bao giờ hết. Tinh thần đoàn kết chống dịch tại xóm trọ nghèo cũng được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đa số các cư dân tại đây đều đã được tiêm đủ 2 mũi phòng chống Covid-19.
“Mọi người ở đây tình cảm lắm, ai ốm, ai đau cần gì thì mọi người đều qua giúp. Tình làng nghĩa xóm tốt lắm, hầu như thấu hiểu bệnh tình nhau cả mà giúp đỡ” - bà Phan Thị Tảo (63 tuổi, cư dân xóm chạy thận 14 năm) chia sẻ.
Họ còn cảm động trước sự quan tâm giúp đỡ của xã hội. Sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước, chính quyền và các đoàn từ thiện tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa rất thiết thực với những bệnh nhân nơi đây.
“Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chính quyền địa phương cũng từ thiện một số nhu yếu phẩm, đồng thời cũng giúp đỡ bệnh nhân rất nhiệt tình. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bệnh nhân cũng được hỗ trợ di chuyển bằng các xe quân đội, xe bệnh viện tạo điều kiện lọc máu một cách an toàn”, bà Tảo bộc bạch.
Bà Vương Hương Ly, Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQ phường Đồng Tâm chia sẻ: “Công tác an sinh xã hội của phường cũng như của cả cộng đồng chăm lo cho xóm chạy thận rất là đầy đủ, tất cả các bệnh nhân trong xóm đều được nhận các xuất quà và phần quà. Cơ bản là không ai bị bỏ lại phía sau, cố gắng hết sức về vật chất và tinh thần”
Dẫu biết là còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng những cư dân ở xóm chạy thận vẫn luôn hy vọng cuộc sống nhanh trở lại bình thường, để họ tiếp tục kế sinh nhai và chặng đường chạy thận gian nan phía trước.