Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ngăn ngừa tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó quy định rõ xử phạt đến 100 triệu đồng với cơ sở kinh doanh vi phạm.

Những năm gần đây, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu vẫn diễn ra rất phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Song song với tình trạng trên, công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu cũng đã được các lực lượng chức năng thực hiện rất quyết liệt, đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện hàng hóa không rõ nguồn gốc

Cụ thể, tại khoản 13 Điều 3 của Nghị định nói rõ: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Theo đó, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng nếu hàng hóa là thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, các chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế…

Đây là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, môi trường nên bị xử phạt gấp đôi so với hàng hóa thông thường. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị mức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện, buộc phải nộp lại số thu lợi bất hợp pháp từ sản xuất, kinh doanh sai phạm.

Nghị định mới có hàng loạt quy định xử lý các hành vi từ sản xuất, buôn bán hàng hóa không có xuất xứ; giả mạo nhãn mác, bao bì đến hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì của hàng giả và hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Các mức phạt được nâng lên cao theo từng cấp độ, cộng với các hình thức phạt bổ sung.

Cùng với đó, bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đề xuất “Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc”. Đề án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được rõ nguồn gốc xuất xứ của tất cả sản phẩm mà mình mua sắm, để biết có đảm bảo an toàn, chất lượng hay không.