Xuất hiện trào lưu dán miệng khi ngủ để đỡ ngáy, bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm

CTV
Rất nhiều người hạn chế ngủ ngáy bằng cách dán miệng lại khi ngủ, theo các bác sĩ đây là việc làm rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Mới đây trên mạng xã hội (Tiktok) xuất hiện trào lưu hướng dẫn mọi người cách “chữa” ngủ ngáy bằng cách dán miệng, việc làm này nhằm giúp người có tật ngủ ngáy ngủ ngon hơn, đỡ làm phiền người khác. Được biết, đoạn clip ngắn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, với 24,2 triệu lượt xem.

Ngay sau đó, rất nhiều người đã thực hiện theo và quay clip để lan tỏa. Thậm chí, từ khóa miếng dán chống ngáy cũng được nhiều người tìm kiếm, nhiều trang thương mại điện tử cũng rao bán mặt hàng này với xuất xứ từ nhiều nước khác nhau.

Theo tìm hiểu hiện miếng dán chống ngáy đang được bán với nhiều mức giá khác nhau, trung bình một set 30 miếng có giá từ 25 đến 30.000 đồng. Hiện rất nhiều người đã mua để dùng thử và trải nghiệm, tuy nhiên tác dụng lại không được như mong muốn.

Rất nhiều người dán miệng khi ngủ với mong muốn không phát ra tiếng ngáy.

Chị Minh Tâm (ở Hà Nội) cho biết, do chồng chị bị béo phì nên thường xuyên ngủ ngáy, việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của chị cũng như các con. Do vậy, khi có thông tin về miếng dán chống ngáy, chị Tâm nhanh tay đặt mua cho chồng sử dụng.

Chồng chị Tâm rất hợp tác dùng miếng dán này, thế nhưng đêm ngủ vẫn phát ra tiếng ngáy như kéo gỗ. Sau 1 tuần, chồng chị quyết định không dùng miếng dán nữa vì cho rằng quá vướng víu, khó chịu, kèm theo khó thở khiến ngủ không ngon giấc.

Khác với trường hợp của chị Tâm, một số người ngủ ngáy ở mức độ nhẹ khi dán miếng dán này lại hết tiếng ngáy trong đêm. Thậm chí, một số người còn quay lại clip để minh chứng cho tác dụng thần kỳ của miếng dán này.

Vậy miếng dán chống ngáy có thật sự tốt và khi dán liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe? PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào (Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội) khi nghe đến miếng dán chống ngáy thì lập tức cảnh báo và khuyến cáo mọi người không nên thực hiện. Theo PGS Bích Đào, việc làm này sẽ rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng, nhất là người có vấn đề về mũi và có cơn ngừng thở khi ngủ.

Miếng dán chống ngáy bán và quảng cáo rất nhiều trên mạng, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng.

PGS Đào cho rằng, phương pháp này rất khó thực hiện nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc người dễ bị sặc. Bởi trẻ em không thể thở hoàn toàn bằng mũi như người lớn nếu bị bịt miệng. Trường hợp diễn biến xấu, người lớn có thể cố gắng thức dậy để tháo băng, còn trẻ em không làm được như vậy và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tính mạng.

TS.BS Nguyễn Đình Liên (Bệnh viện E Trung ương) cũng cho rằng, người ngủ ngáy thường dễ bị cơn ngưng thở khi ngủ, dẫn tới tử vong lúc nào không biết. Nhiều trường hợp khi vợ chồng nằm bên nhau, người chồng tử vong lại bị cho là do thượng mã phong nhưng thực tế họ gặp hội chứng ngừng thở khi ngủ. Do vậy, hành động bịt miệng khi ngủ là rất nguy hiểm, không khác nào “tự sát”.

Bác sĩ Liên khuyến cáo mọi người tuyệt đối không dùng mẹo chữa ngủ ngáy hay dán miệng để hạn chế tiếng ngáy. Tốt nhất nên đi khám các chuyên khoa như tai mũi họng, tim mạch, để có hướng xử lý, điều trị và áp dụng những bài thở phù hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.