13 năm bị u xương chân và hành trình leo Fansipan đáng nhớ

Vì đôi chân khiếm khuyết, chị Hằng chưa từng đi bộ được 1km, cũng chưa bao giờ leo nổi 2 tầng cầu thang. Thế nên khi biết chị định leo Fansipan – đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nhiều người đã khuyên can, cho rằng điều đó thật viển vông, “điên rồ”…

“Chiến đấu” với căn bệnh u xương suốt 13 năm

Khi sinh ra, chị Phạm Thị Hằng (SN 1985, ở Nam Định) có đôi chân hoàn toàn lành lặn. Đến năm 3 tuổi, chân phải của chị ngày càng cong, bố mẹ đưa chị lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám thì được chẩn đoán bị u xương. Hai năm sau đó, chị liên tục phải mổ, bó bột và “làm bạn” với chiếc nạng.  

Đến năm 6 tuổi, chị không cần dùng nạng nữa nhưng chân phải đau đớn, chỉ đi được đoạn đường rất ngắn. Trải qua nhiều năm dài điều trị tốn kém mà kết quả không khả quan, bác sĩ đề cập với gia đình chuyện cắt bỏ chân phải của chị để thay bằng chân giả. Tuy nhiên, bố mẹ chị không đồng ý, chấp nhận bán hết gia sản để có tiền tiếp tục chạy chữa cho con gái.

Chân phải của chị Hằng bị chẩn đoán u xương khi chị mới 3 tuổi

Nhờ quyết tâm của bố mẹ, khi đang học lớp 8, chị Hằng bước vào một ca mổ đặc biệt kéo dài 12 tiếng do các bác sĩ Mỹ về Việt Nam thực hiện. Sau đó, chị phải bó bột lên tới tận đùi, cứ 1 tháng thay bột 1 lần. “Có lẽ không có gì đau đớn bằng đau xương. Những cơn đau nhức khiến tôi trào nước mắt nhưng nhiều khi phải cố gắng kìm lại vì sợ người thân nhìn thấy lại lo”, chị kể.

Cái chân đau đớn, bất tiện khi đi lại không ngăn được tinh thần ham học của chị Hằng. Trường học cách nhà mấy trăm mét, mỗi ngày chị đều cố gắng nén đau tự chống nạng đến trường. Với học lực nổi trội, chị chưa bao giờ bị bạn bè cười chê vì cái chân “chẳng giống ai”, nhiều bạn còn mang sách vở đến tận nhà để nhờ chị giảng bài.

Khi chị quyết định leo Fansipan, ai cũng bảo đó là điều điên rồ, viển vông

Dù thành tích học tập tốt nhưng chị lại không thể đi học cấp 3 vì trường cách nhà tới 15km – quá xa với một người có đôi chân không lành lặn như chị. “Một năm ròng ở nhà, với người yêu thích việc học như tôi, đó là khoảng thời gian bế tắc, tủi thân nhất”, chị Hằng nhớ lại.

Năm 16 tuổi, chị bước vào một ca mổ khác và rất may đây cũng là ca mổ cuối cùng, giúp chị khỏi căn bệnh u xương. Tuy nhiên, chị mãi mãi không thể có đôi chân lành lặn. Chân phải tuy giữ được nhưng rất yếu, chị đi lại tập tễnh và chỉ đi được đoạn đường ngắn dưới 500m.

Dù chân khiếm khuyết nhưng chị Hằng đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục học hành, chị đỗ cấp 3, rồi đỗ Đại học Ngoại ngữ (Hà Nội), ra trường tìm được công việc có thu nhập ổn. Chiếc xe Cub 82 đồng hành với chị trên mọi nẻo đường, “gánh” bớt đi những phần việc mà đôi chân chị không làm được.

Chinh phục Fansipan – chiến thắng con người “chân rưỡi”

Chị Hằng bảo, vì không muốn người thân phải lo lắng, không muốn người ngoài nhìn mình với ánh mắt thương hại nên chị luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài, thực chất thâm tâm chị nhiều lúc cũng yếu đuối, đêm xuống hay tủi thân nằm khóc.

Thế nhưng từ cuối năm 2021, sau khi tham gia những khóa học khai mở tâm trí của chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), chị thấy bản thân dần chuyển hóa, tìm được hạnh phúc thật sự. Chị lạc quan bên ngoài, vui vẻ bên trong do học được cách yêu thương chính mình, dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác, không còn khóc đêm, khóc thầm nữa.

Đăng ký tham gia leo Fansipan cùng Học viện Minh Trí Thành đã giúp chị Hằng có động lực để tập luyện đi bộ hàng ngày, từ 1km cho đến 2, 3km

Đầu tháng 2 năm nay, khi biết học viện có kế hoạch tổ chức leo Fansipan (Lào Cai) quy mô lớn để giúp học viên bứt phá bản thân, chị Hằng quyết tâm tham gia. “Khi nghe tôi nói ý định này, nhiều người khuyên ngăn, bảo rằng đấy là điều viển vông với một người chưa từng đi bộ được 1km, chưa bao giờ leo được 2 tầng cầu thang như tôi. Tôi không trách họ, mà càng coi đó là động lực để mình phấn đấu”, chị Hằng kể.

Để tập luyện cho hành trình leo núi, mỗi ngày chị Hằng cố gắng đi bộ 1km, nỗ lực từng chút một. Cứ ròng rã như thế, số km nhích dần lên thành 2km, rồi 3km.

Sáng 13/9 vừa qua, chị bắt đầu hành trình chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”. Con đường leo núi khắc nghiệt hơn rất nhiều con đường mà chị tập luyện. Nó không chỉ gồ ghề, dốc, mà còn trơn trượt do trời mưa. Mắt cận nặng, nước mưa hắt vào mắt kính, có lúc chị Hằng không nhìn thấy đường, bị trượt ngã mấy lần. Cái chân phải yếu đuối của chị sau hơn 30 năm kể từ khi bị bệnh mới lại được đưa ra làm trụ, nó run lên bần bật đến độ người đi đằng sau nhìn thấy cũng bất ngờ.

Leo thành công đỉnh Fansipan là bước ngoặt để chị Hằng mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, sẵn sàng chinh phục mọi thử thách

Gian nan là thế nhưng chị Hằng chưa từng muốn dừng lại, vì ngay từ khi bắt đầu đã biết là sẽ khó khăn. Sức khỏe yếu, chị bị thụt lùi hơn so với các đồng đội, được mọi người động viên rất nhiều. Đó cũng là động lực tinh thần khiến chị càng thêm cố gắng.

Nhớ lại giây phút lên đến đỉnh Fansipan vào sáng 14/9, chị Hằng xúc động: “Cảm xúc trong tôi lúc đó như vỡ òa. Trước đây, mọi người hay bảo tôi chỉ có chân rưỡi, tôi cũng mặc định mình là người như vậy nên tự đặt ra những giới hạn cho bản thân. Chinh phục Fansipan thành công giúp tôi nhận ra mọi người có hai chân thì tôi cũng có hai chân, mọi người làm được thì tôi cũng làm được. Đây thực sự là một bước ngoặt để tôi mạnh mẽ tin vào chính mình, tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới trong cuộc sống và can đảm chinh phục nó”.

Là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phát triển tư duy tại Việt Nam, Học viện Minh Trí Thành thường tổ chức các chương trình leo núi nhằm giúp học viên bứt phá bản thân.

Chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết: “Học viện Minh Trí Thành đã đón nhận rất nhiều học viên bế tắc trong cuộc sống, không có niềm tin vào chính mình. Những suy nghĩ tiêu cực như “tôi không thể làm được”, “điều này quá sức đối với tôi”… như một ngọn núi cao án ngữ trước mặt khiến họ lo lắng, sợ hãi, hoài nghi bản thân, sống không có ước mơ. Tổ chức huấn luyện leo núi với rất nhiều khó khăn, thử thách trong suốt chuyến hành trình là cách để chúng tôi giúp các học viên chinh phục đỉnh núi thực tế - Fansipan, sâu xa hơn là để chinh phục “ngọn núi tâm trí” – niềm tin giới hạn của mỗi người, giúp các học viên bứt phá bản thân, tìm lại được con người nguyên bản tuyệt vời và dũng cảm”.