2.000 học sinh tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực học đường

Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Chiều 17/5, tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An) Hội đồng đội Trung ương phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, Báo Tiền phong tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” lần  thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường với sự tham dự của gần 2.000 học sinh đến từ các trường THCS và THPT ở TP Vinh. 

Tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, sự ra đời của diễn đàn xuất phát từ một thực tế là các em ở tuổi đi học, lứa tuổi này càng gặp nhiều vấn đề hơn do những đặc điểm phát triển của xã hội, của môi trường sống, môi trường công nghệ, truyền thông nhưng bản thân các em lại ít có cơ hội nói lên tiếng nói của mình để được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.

Với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, đây là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều em học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ.

Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.

Bởi vậy, diễn đàn là địa chỉ để học sinh nói ra những điều chứa chất trong lòng. Từ đó, các thầy cô, các nhà tâm lý giúp các em tự tin hơn, giải quyết được vấn đề của mình.

Giáo dục - 2.000 học sinh tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực học đường

Nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết mục đích của diễn đàn là tạo cơ hội cho các em được đối thoại, trình bày các vấn đề gặp phải.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra những con số nhức nhối. 

Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), trẻ em bị bạo lực trong nhà trường năm 2022 chiếm tỉ lệ 8,22%, tăng 0.86% so với năm 2021.

4 tháng đầu năm 2023, số trẻ em bị bạo lực trong trường học chiếm 16,81%, tăng 10,97% so với cùng kỳ năm 2022 do cùng kỳ năm 2022; Về thủ phạm bạo lực trẻ em: giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường chiếm 5,93%.

Trẻ em bị xâm hại tình dục trong nhà trường chiếm 7,69%, giảm 0,93% so với cùng kỳ năm 2022; thủ phạm là giáo viên/cán bộ nhà trường xâm hại tình dục trẻ em chiếm 5,13% (giảm 3,49% so với cùng kỳ 2022).

Thời gian qua, ngành giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đã và đang nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng thực tế vẫn đang còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong đó, có thể kể đến tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn còn xảy ra, ứng xử văn hóa người học chưa đúng mức, đạo đức của một số bộ phận học sinh còn hạn chế, công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu, xuất hiện tình trạng bạo lực, gây gổ trên không gian mạng dẫn đến bạo lực ở ngoài đời thực.

Giáo dục - 2.000 học sinh tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực học đường (Hình 2).

Các em chứng kiến bạo lực, nghe được bạn bè chia sẻ hãy lên tiếng, chia sẻ với cơ quan, tổ chức, người mà các em tin tưởng nhất.

“Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng”

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng, đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội.

Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục. Cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Cấp bách tăng cường công tác tham vấn học đường. Cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Thời gian qua, thực trạng bạo lực học đường đã gióng lên hồi chuông đối với ngành giáo dục cũng như gia đình, xã hội. Học sinh, người trẻ không chỉ bị bạo lực nóng (bạo lực bằng các hành động) mà còn bị bạo lực lạnh, bạo lực trắng (bạo lực tinh thần như tẩy chay, gây áp lực tâm lý…); không chỉ bạo lực trong môi trường thực mà còn bị bạo lực trên môi trường không gian mạng.

Giáo dục - 2.000 học sinh tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực học đường (Hình 3).

Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học.

Ông Nam cho rằng, các em cần tìm đến một người tin cậy để chia sẻ, tạo trạng thái cân bằng về tâm lý. Bởi nếu bị mất cân bằng dẫn tới không giải quyết được thì dễ sa vào hành vi lệch lạc rất nguy hiểm. Đôi khi chỉ là những tình huống bình thường nhưng nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn tới những vụ việc đau lòng.

Thứ hai, các em có thể gọi đến số 111 là số của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Đây là đường dây nóng tiếp nhận những thông tin tố giác hình vi bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em còn có chức năng khác là đường dây tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết khó khăn. Những nhân viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ 24/24 giờ.

Không chỉ có một kênh giao tiếp qua điện thoại, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em còn có fanpage 111. Điều khác biệt của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là các em được bảo mật thông tin, chỉ chia sẻ thông tin với chuyên gia, giúp các em giải quyết các vấn đề.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các em chứng kiến bạo lực, nghe được bạn bè chia sẻ hãy lên tiếng, chia sẻ với cơ quan, tổ chức, người mà các em tin tưởng nhất. Xung quanh các em không đơn độc, có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ. Vậy nên “Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng”, ông Nam chia sẻ thông điệp.

Sống ý nghĩa nếu biết giúp đỡ người khác

Phát biểu kết thúc diễn đàn, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Từ ý kiến của các chuyên gia và những trao đổi, chia sẻ của các em học sinh tại diễn đàn “Điều em muốn nói” lần này, đã giúp ngành giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chia sẻ về những tâm lý của lứa tuổi học trò và ở giai đoạn này các em luôn muốn khẳng định bản thân, khẳng định cái tôi đối với bạn bè, bố mẹ và thậm chí cả với thầy cô.

Giáo dục - 2.000 học sinh tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực học đường (Hình 4).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu các em không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng mong muốn các học sinh không khẳng định vị trí ở sức mạnh thể chất mà cần hình thành ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người: Cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu các em không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế.

“Người mạnh thực sự không chỉ nằm ở yếu tố tự thân mà còn ở cách hành xử với những người xung quanh. Các em cũng nên chọn triết lý sống cho bản thân mình để làm nguyên tắc trong ứng xử, đối diện, giải quyết các vấn đề gặp phải”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết.

Tại chương trình, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã trao phần quà là 1000 ấn phẩm sách thiếu nhi cho các học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng sách cho thư viện của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Công ty Cổ phần Tiền Phong – Báo Tiền phong cũng trao tặng 20 suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên học tốt của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.