Đến Tây Ninh, chắc chắn các Phật tử, du khách không thể không đặt chân đến 3 ngôi chùa Linh Sơn, Phước Lưu hay Thiền Lâm, bởi đây là những ngôi chùa không những linh thiêng mà còn có kiến trúc vô cùng độc đáo.
1. Chùa Linh Sơn
Theo Báo Giác Ngộ Online ngày 3/1/2009, chùa Linh Sơn thường được gọi là chùa Bà, tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Chùa do Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm Mậu Ngọ (1857), Tổ Phước Chí đã bỏ ngôi chùa cũ lợp lá, vách ván, tổ chức xây dựng ngôi chùa khang trang. Ngài đã vận động nhiều Phật tử góp công góp của mở rộng đường lên núi, xây dựng ngôi chánh điện và giảng đường.
Cũng vào thời gian này, cách chùa khoảng 300m, một nhà sư người Chiêm Thành, tục gọi là ông Chàm và nhà sư Huệ Mạng - Kim Tiên lấy hang đá làm nơi tu hành. Khoảng năm 1864, sư Huệ Mạng khai sơn chùa Linh Sơn Long Châu.
Khuôn viên Chùa Linh Sơn. Ảnh: giacngo.vn
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch được khởi công xây dựng vào ngày 16-10 năm Bính Tý (26-11-1996). Chùa có diện tích 210m2 (bề rộng 14m, bề dài 15m). Chùa mang nét kiến trúc kết hợp hài hòa nét đẹp của nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp.
Ở sân chùa Phật có tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền.
Chùa Linh Sơn Tiên Trạch. Ảnh: giacngo.vn
Điện Phật thờ tượng đức Trung Tôn chính giữa (tư liệu của chùa cho biết tượng đức Bổn sư Thích Ca thiền định cao 2,5m) và chư Phật, Bồ Tát : bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, Bồ tát Địa Tạng, Ngọc Hoàng…
Hai bên có bàn thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Trước điện Phật có tượng Tứ Thiên Vương: Ma Lễ Thọ, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thanh ; tượng đức Hộ Pháp Vi Đà. Hai bên vách có bàn thờ Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Mục Kiền Liên, Quan Thánh. Sau điện Phật, có bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa.
Linh Sơn điện Phật. Ảnh: giacngo.vn
Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc xá lợi Phật, bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Vua Sãi Thái Lan tặng, và Hòa thượng đã cúng dường cho chùa vào năm 2000.
Chùa có khu bảo tháp Tổ. Giữa là tháp Tổ Tâm Hòa, Tổ Giác Phú, Tổ Giác Điền. Hai bên là tháp Tổ Trừng Tùng và Tổ Thanh Thọ.
Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn. Kiến trúc điện gồm một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động, vòm mái cao 2,5m, và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m. Trong điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu, Thần Tài, Thổ Địa. Ở đây có tủ đựng y trang của Bà do thập phương bá tánh dâng cúng. Gian ngoài thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Mẫu.
Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
Ảnh: giacngo.vn
2. Chùa Phước Lưu
Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Tây Ninh ngày 20/1/2015, chùa Phước Lưu nằm cạnh quốc lộ 22A, tại trung tâm Thị trấn Trảng Bàng, đối diện với bệnh viện và sân vận động Trảng Bàng. Giữa thế kỷ thứ XIX, chùa Phước Lưu được xây dựng. Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ gọi là Am Bà Đồng, sau này được xây dựng thành chùa nên có tên gọi là Chùa Bà Đồng.
Chùa Phước Lưu là ngôi chùa lâu đời, nổi tiếng linh thiêng ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: FB@ChuaPhuocLuuTrangBangTayNinh.
Năm 1900, Tổ trường Lục thuộc đời thứ 42 phái Liễu quán đã quyên góp tài chính của phật tử địa phương và cộng đồng người Hoa ở Trảng Bàng sửa chữa và mở rộng chùa và đặt tên là chùa Phước Lưu.
Từ lúc xây dựng đến nay đã qua 5 lần trùng tu sửa chữa vào các năm 1943, 1946, 1975 và 1990. Đây là một ngôi chùa được xây dựng bề thế, khang trang. Hệ thống tượng Phật và các đồ thờ tự có giá trị cao so với các chùa phật ở Tây Ninh.
Ngoài tượng Phật Di Lặc, có tượng Di Đà Tam Tôn bằng gốm thếp vàng được mang từ Trung Quốc sang (gốm sứ đời Thanh). Với 15 tượng Phật được làm bằng chất liệu đất nung gốm sứ đời Thanh (chế tác từ Trung Quốc).
Chùa có nhiều tượng Phật và nhiều hiện vật cổ. Ảnh: FB@ChuaPhuocLuuTrangBangTayNinh.
Chùa Phước Lưu là nơi có nhiều tượng Phật cùng nhiều hiện vật cổ, có giá trị nghệ thuật cao như: 4 bàn tủ khảm trai, bộ tràng kỷ mặt đá. Đặc biệt có 2 đĩa lớn (đường kính 55cm) 2 choé lam lớn (đường kính 63cm, cao 53cm). Với những hoạ tiết, hoa văn đường phủ men lam là những hiện vật cổ có giá trị độc đáo. Với lối kiến trúc đẹp, hoà với tổng thể thiên nhiên.
Ngôi chùa đã được giới thiệu trong quyển "Việt Nam danh lam cổ tự". Ảnh: FB@ChuaPhuocLuuTrangBangTayNinh.
3. Chùa Thiền Lâm
Theo Du lịch Online ngày 27/1/2016, Thiền Lâm là ngôi chùa cổ hơn trăm tuổi ở Tây Ninh, được Hòa thượng Thích Trí Lượng khởi xây từ cuối thế kỷ XIX với hình thức ban đầu bằng tre lá đơn sơ, hiện nay chùa Thiền Lâm (còn gọi là chùa Gò Kén).
Từ thị xã Tây Ninh, hướng về TP.HCM khoảng 5km, trên quốc lộ 22B, con đường đất đỏ bên phải dẫn vào chùa với hai hàng cây xanh rợp bóng mát. Trên khuôn viên rộng 20.00 m2, có trồng nhiều cây ăn quả. Ngôi chùa toạ lạc tại xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành. Ngôi chùa này do Giác Hải Từ Phong Hiệp cùng tín đồ Phật tử xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX.
Thiền Lâm là ngôi chùa cổ trên 100 tuổi ở Tây Ninh. Ảnh: vntrip.vn
Dáng dấp Từ Lâm Tự là kiến trúc phương Tây, mái lợp ngói. Cách bài trí và thờ phượng có khác với những chùa khác ở Tây Ninh. Theo Đại đức Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa, từ cuối thế kỷ XIX, nơi đây là một gò đất cao mọc đầy dây kén, tổ sư Thích Trí Lượng đã khởi xây với hình thức ban đầu bằng tre lá đơn sơ. Cũng chính vì thế mà dân gian gọi chùa Thiền Lâm là chùa Gò Kén, tên gọi đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay dẫu loại dây kén đã hoàn toàn biến mất.
Vào năm 1925, Hòa thượng Thích Từ Phong, đệ tử của tổ sư Thích Trí Lượng cùng các môn đồ đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chùa Thiền Lâm với móng đá, tường xây, mái ngói.
Chùa được xây dựng theo bản thiết kế (gọi là họa đồ) do Công ty Hạc Bình từ tận Paris vẽ gửi về có chiều dài 30m và rộng 15m, khác hẳn với các chùa cổ trong tỉnh. Quần thể cả ngôi chùa là một kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, nửa cổ kính, nửa hiện đại. Chùa gồm 6 gian và 2 chái. Chái phân bố theo mô hình Đông lang và Tây lang. Tường xây gạch với vữa vôi nghiền với lá cây ô dước, mái ngói, cửa chính hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi.
Cách bài trí và thờ phượng ở chùa Thiền Lâm khác với những ngôi chùa ở Tây Ninh. Ảnh: vntrip.vn
Hiện nay, chùa còn giữ gìn chu đáo các dụng cụ thờ tự cổ như trống sấm và đại hồng chung có tuổi trên nửa thế kỷ bên cạnh nhiều tượng Phật bằng gỗ có giá trị cao, được xây trong hoàn cảnh cái gò còn chơ vơ giữa đồng, mỗi mùa nước lớn, lại ngập trắng, bao la. Chùa Gò Kén được xây dựng suốt 12 năm dài, từ năm 1914 đến năm 1926.
Năm 1970, chùa được trùng tu khang trang hơn. Tháng 7/2007, Đại đức Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa hiện nay đã cho tu bổ, xây dựng thêm các công trình mới tạo nên một diện mạo mới cho ngôi chùa, xứng đáng là một danh lam trong tỉnh.
Thiền Lâm có lối kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều Phật tử khắp nơi lui tới. Ảnh: vntrip.vn
Bên cạnh các hoạt động phật sự, chùa Thiền Lâm thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện. Chùa đã tích cực tham gia cứu trợ người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm sóc người cao tuổi, đóng góp cho các hoạt động khuyến học của địa phương, kết hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc từ thiện cho đồng bào các vùng biên giới, nông thôn vùng sâu, giúp đỡ các hộ dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…
Mỗi năm, chùa đã vận động, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động kể trên, thể hiện cách sống tốt đời đẹp đạo theo phương châm “Dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.