5 điều không nên làm sau khi tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19

Để mũi tiêm thứ 3 vắc-xin Covid-19 đạt hiệu quả miễn dịch tốt nhất, các chuyên gia khuyến cáo người dân sau khi tiêm không nên làm những điều này.

Không bỏ qua thời gian theo dõi sau tiêm

Sau khi tiêm vắc-xin vài phút mà không thấy phản ứng gì thì nhiều người có xu hướng muốn rời ngay khỏi điểm tiêm. Tuy nhiên, các cơ quan y tế khuyến cáo người sau tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 không được tự ý bỏ về trong thời gian theo dõi 30 phút sau tiêm. Đây là thời gian để nhân viên y tế theo dõi, phát hiện các bất thường sau tiêm hoặc tại vết tiêm.

Điều này đặc biệt quan trọng với những người có tiền sử bị dị ứng. Những phản ứng này có thể là nhẹ như phát ban đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Khi đó, các bác sĩ tại điểm tiêm sẽ phản ứng nhanh để kịp thời cứu chữa.

Ngoài ra, người sau tiêm vắc-xin Covid-19 không nên tự điều khiển phương tiện cá nhân khi cảm thấy không khỏe. Không bôi, không đắp thuốc hay bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Không xem thường tác dụng phụ của mũi 3

Dù phản ứng của cơ thể với mũi 3 có thể tương tự như phản ứng với mũi 1 và 2 nhưng cũng đừng xem thường.

Theo chia sẻ của PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trên Người Lao Động, các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 sẽ là những phản ứng phổ biến như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.

Vì vậy PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên đưa ra lời khuyên: "Về nhà cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế".

Không tập nặng sau tiêm

Có thể tập thể dục vừa phải sau khi tiêm vắc-xin mũi 3 nhưng không nên tập nặng, cũng như không làm việc nặng, đặc biệt là khi xuất hiện các tác dụng phụ mạnh khiến cơ thể mệt mỏi. Thay vì nâng tạ nặng hay chạy bộ, mọi người chỉ nên đi bộ, kéo căng cơ hay các bài tập nhẹ nhàng khác.

Không uống rượu bia

Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc-xin.

Không nên ăn nhiều chất béo bão hòa

Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.