CTCP Điện lực Gelex (Mã: GEE - Gelex Electric) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, quý 2/2023, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex Electric đạt 3.854 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 121 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex Electric ghi nhận 7.268 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 252 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 56,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, mảng thiết bị điện quý 2 ghi nhận 3.480 tỷ doanh thu bán thành phẩm, chiếm tỷ trọng 90,29% doanh thu thuần, giảm 15,95% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng, doanh thu bán thành phẩm đạt 6.482 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn ở mảng phát điện (gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời) do các công ty thành viên của Gelex Electric vận hành, quý này ghi nhận doanh thu 174 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ 2022, do thủy điện bị ảnh hưởng bởi El Nino. Hiện, mảng phát điện chiếm tỉ trọng 4,5% trong cơ cấu doanh thu của Gelex Electric. Lũy kế 6 tháng, doanh thu bán điện ghi nhận 362 tỷ đồng, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2023, ngành thiết bị điện bị ảnh hưởng nặng do nhu cầu sụt giảm mạnh. Gelex Electric cũng như các doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều áp lực, tuy nhiên, đây vẫn là một kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường chung ở thời điểm này. Tuy doanh thu giảm nhưng do lường trước được khó khăn nên các công ty thành viên đã tăng cường công tác quản trị, cắt giảm chi phí nên chỉ tiêu lợi nhuận giảm không đáng kể.
Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Những khó khăn đến từ yếu tố thị trường đã được lường trước. Với vai trò định hướng, dẫn dắt, Tập đoàn GELEX đã đánh giá và sớm đưa ra các giải pháp để quản trị chặt chẽ từ nửa cuối năm 2022. Do đó, Gelex Electric đã tăng cường hoạt động kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hơn về mặt tài chính, R&D cải tiến sản phẩm, tìm kiếm nguyên liệu thay thế, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu… Một số công ty thành viên của Gelex Electric vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực. Điển hình là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI)….”
Quý 2/2023, trước tình hình thị trường chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Gelex Electric đã chủ động giảm số dư hàng tồn kho gần 1.000 tỷ, tương đương mức giảm 23% so với đầu năm. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1.132 tỷ là điểm tích cực so với dòng tiền âm 40 triệu cùng kỳ năm 2022.
Về các chỉ số tài chính, quý 2/2023 được cải thiện tốt hơn so với đầu năm, đều ở mức an toàn. Trong đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ là 1,76, giảm nhẹ so với mức 1,9 đầu năm; Hệ số nợ vay/vốn chủ là 1,23, giảm so với mức 1,44 đầu năm 2023; Hệ số nợ/tổng tài sản là 0,64, giảm so với mức 0,66 đầu năm. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán hiện hành là 1,15, tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức phù hợp.
Với hai quý đầu của năm 2023 gần như bị chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì quý 3/2023 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khởi sắc và có sự đột phá hơn. Nhất là với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, do đó nhu cầu xây dựng hệ thống truyền tải và trạm biến áp mới vẫn còn nhiều dư địa, điều này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty sản xuất thiết bị điện (cáp sạc, máy biến áp, thiết bị đo điện…) trong giai đoạn tới.
Thu Hà