7 dấu hiệu bạn đang quá sức khi làm việc tại nhà

Làm việc từ sáng đến đêm, thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, tiêu cực và nghi ngờ năng lực của mình. Nếu bạn từng trải qua trường hợp trên, có thể bạn đã mắc hội chứng burn out.

Burn out, theo định nghĩa của WHO, là hội chứng cạn kiệt năng lượng, có tinh thần tiêu cực và căng thẳng với công việc.

Dưới đây là 7 dấu hiệu bạn đang làm việc quá sức và cách thay đổi.

Dấu hiệu của hội chứng burn out

pexels-ketut-subiyanto-4132585-1624853908.jpg
Ảnh: Ketut Subiyanto.

Thường xuyên mệt mỏi
Một dấu hiệu dễ thấy nhất của hội chứng burn out là cảm giác kiệt sức kéo dài.

Trạng thái này xuất hiện không chỉ với sức khỏe thể chất mà còn ở nhiều phương diện khác. Chẳng hạn như không còn hào hứng với cuộc vui cùng bạn bè, hay tinh thần lúc nào cũng "căng như dây đàn".

Thất vọng, hoài nghi bản thân
Cảm xúc tiêu cực dần lấn át tâm trí và khiến bạn cảm thấy mình không làm tốt như kỳ vọng.

Nhìn chung, ai cũng từng trải qua cảm xúc tiêu cực, nhưng người đang burn out dường như bi quan hơn bình thường, theo Forbes.

Khó tập trung
Theo Tiến sĩ Ballard, người đứng đầu Chương trình xây dựng sức khỏe tâm thần lành mạnh nơi làm việc của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, não bộ được thiết kế để xử lý các tiêu cực trong thời gian ngắn và sớm đưa bạn trở về bình thường.

Khi căng thẳng kéo dài, tâm trí xuất hiện nhiều yếu tố tiêu cực dẫn đến việc não không còn dành sự tập trung cho những thứ khác.

Hiệu suất công việc giảm
Một cách khác để phát hiện burn out là so sánh năng suất hiện tại với kết quả công việc những năm trước. Nếu bạn cảm thấy mình sa sút dần, rất có thể bạn đã mắc burn out trong một thời gian dài.

Gặp vấn đề sức khỏe
Khi làm việc quá sức, phần lớn chúng ta sẽ bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe bản thân và đi theo lối sống không lành mạnh như nghiện ăn vặt, thiếu ngủ, lạm dụng cà phê.

Thói quen xấu này dẫn đến các vấn đề sức khỏe có thể thấy ngay như đau bao tử, tiêu hóa không tốt, tăng hay giảm cân bất thường.

Về lâu dài, stress còn là nguyên nhân của bệnh trầm cảm và tim mạch.

Làm việc 24/7
Nhận ra hiệu suất giảm, chúng ta thường sẽ không thể ngừng nghĩ về công việc và cảm thấy bị task bao vây ngay cả khi kết thúc giờ làm.

Trong thời gian work from home, đây là điều thường thấy ở phần lớn bạn trẻ.

Không cảm thấy hài lòng
Kiệt sức còn dẫn đến những cảm xúc bất hạnh, không thỏa mãn với sự nghiệp, gia đình và bản thân. Theo Tiến sĩ Ballard, burn out khiến chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt với cuộc sống dù luôn tìm cách chạy trốn.

Giải quyết như thế nào?

pexels-william-fortunato-6393013-1624853911.jpg
Ảnh: William Fortunato/Pexels.

Hãy thư giãn!
Thư giãn bằng mọi cách có thể. Hãy thử tập thiền, nghe nhạc, đọc sách, đi dạo hay thăm viếng bạn bè, người thân.

Để làm được điều đó, bạn nên có thời gian suy nghĩ, liệt kê những điều khiến bản thân thấy thoải mái và thực hiện.

Tạo ranh giới giữa công việc và cuộc sống
Các thiết bị công nghệ như điện thoại, ứng dụng chat,... giúp bạn làm việc từ xa hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng có thể là nguyên nhân gây căng thẳng.

Thay vì dành trọn cả tuần cho công việc, vào thời gian rảnh, bạn nên hướng sự quan tâm của mình đến những thú vui khác như tập thể thao, tham gia thiện nguyện hay bất cứ điều gì đem lại hứng khởi.

Ngủ đủ giấc
Nghiên cứu của Forbes cũng cho thấy người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm dễ bị burn out hơn bình thường.

Giấc ngủ giúp chúng ta lấy lại năng lượng và cải thiện trí nhớ. Do đó, bạn không nên bỏ qua 15 phút nghỉ trưa hay thức quá khuya, dậy quá sớm.

Sắp xếp và quản lý task
Khi bị quá tải, chúng ta dễ có tâm lý lo lắng vì sợ mình không hoàn thành tốt công việc. Thay vì để công việc nhấn chìm mình, bạn nên quản lý chúng. Từ hôm nay, hãy ghi ra giấy những đầu việc cần làm và sắp xếp giải quyết theo thứ tự ưu tiên.

Tìm và xử lý nguồn gốc của căng thẳng
Đặt cho mình những câu hỏi như "vì sao tôi cảm thấy áp lực?", "điều này đến từ tôi hay từ các yếu tố tác động bên ngoài?" sẽ có ích trong trường hợp burn out.

Đôi khi, cảm giác kiệt sức có thể đến từ sự thiếu nền tảng, hoặc bạn đang thật sự nhận khối lượng công việc nhiều hơn quy chuẩn.

Biết giới hạn của mình
Mỗi người có những giới hạn riêng trong chuyên môn, sức khỏe hay thời gian. Bạn không thể ôm đồm mọi thứ hay trở thành chuyên gia của mọi lĩnh vực.

Khi làm việc từ xa, giao tiếp là chìa khóa để kết nối và tạo môi trường làm việc tích cực cho chính bạn và đồng đội. Hãy đặt ra những khoảng nghỉ cho mình, đồng thời tìm sự giúp đỡ từ người khác nếu có dấu hiệu kiệt sức.

Theo zingnews.vn