Ngày 31/3, gia đình ông Mưu Quý Sường (sinh năm 1944, người bị khởi tố, bắt tạm giam oan về tội Giết người) cho biết, sau hơn 3 năm xin lỗi công khai, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất việc bồi thường.
Theo người đại diện gia đình, ban đầu Công an tỉnh Bắc Giang chấp thuận mức bồi thường khoảng 5,9 tỷ đồng nhưng sau đó giảm xuống 4,9 tỷ. "Sau nhiều lần thương lượng, gia đình đã nhận được hơn 2,3 tỷ đồng tiền bồi thường", đại diện gia đình ông Sường nói.
Ông Sường là trường hợp thứ hai được bồi thường do mang án oan tại tỉnh Bắc Giang những năm gần đây, sau ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên).
Trước đó, đầu năm 2018, ông Sường được Công an Bắc Giang ra quyết định đình chỉ bị can, công khai xin lỗi tại trụ sở Uỷ ban xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn.
Tại buổi xin lỗi, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang - đại tá Dương Ngọc Sáu thừa nhận việc "bắt ông Sường là sai".
Do ông Sường đã mất, lời xin lỗi được gửi tới người đại diện hợp pháp. Ông Sáu còn cho hay việc bồi thường sẽ được giải quyết "hợp lý, kịp thời".
Nội dung vụ án thể hiện, khoảng 6h ngày 2/11/1977, Công an huyện Lục Ngạn, Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) nhận tin báo về việc bà Phạm Thị Múi (vợ ông Sường) chết dưới suối thôn Gốc Vốn, xã Trù Hựu. Ty Công an Hà Bắc đã cử lực lượng khám nghiệm hiện trường, tử thi và đưa ông Sường về ghi lời khai.
Tại đây, ông Sường khai 5h cùng ngày, ông dậy nhưng không thấy vợ. Khi đi tìm, ông thấy vợ nằm chết ở đầu nhà.
Sợ liên quan, ông mang xác bà Múi xuống suối dựng hiện trường giả việc vợ bị ngã xuống suối. Do nghi ông Sường là người giết vợ nên Công an huyện Lục Ngạn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Sường về tội Giết người và chuyển vụ án về Ty Công an Hà Bắc điều tra theo quy định.
Ông Sường bị giam hơn 7 năm và không có phiên tòa nào được mở. Trong thời gian này, trong buồng giam xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau và ông bị phạt bốn năm tù. Thụ án xong hình phạt này, ông Sường được về nhà sau hơn 11 năm bị bắt.
Ông liên tục kêu oan sau đó nhưng không có kết quả. Năm 2014, ông Sường qua đời do tuổi già và mắc ung thư, dặn dò người vợ sau và các con "tiếp tục kêu oan và mong có ngày con cháu không phải mang tiếng với người đời".
Ông Sáu nói quá trình điều tra xác minh thu thập về vụ án và việc khởi tố, bắt giam bị can, cơ quan tố tụng tỉnh Hà Bắc chưa có kết luận cuối cùng về vụ án này.
Xác định đây là vụ án nghiêm trọng, xảy ra cách đây 40 năm, bộ Công an và viện KSND Tối cao đã giao Công an và viện KSND tỉnh xác minh làm rõ.
Theo đó, ngày 30/12/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ban hành 2 quyết định gồm: quyết định đình chỉ vụ án hình sự về tội Giết người vì hết thời hiệu trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Mưu Quý Sường về tội Giết người do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm.
Trong 5 năm qua, những người bị oan sai đã yêu cầu các cơ quan tố tụng bồi thường song số tiền đạt được thỏa thuận đều thấp hơn mức ban đầu đưa ra.
Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Chấn, tỉnh Bắc Giang, yêu cầu tòa bồi thường hơn 9,3 tỉ đồng cho 10 năm ngồi tù oan. Sau 10 tháng thương lượng, ông Chấn nhận tiền bồi thường nhiều nhất cả nước với 7,2 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Thêm, Bắc Ninh, mang thân phận tử tù 44 năm đã yêu cầu bồi thường 15 tỉ đồng cho 6 năm ngồi tù oan. Sau gần 3 năm, năm 2019 ông Thêm được chi trả 6,7 tỉ đồng.
Ba mẹ con bà Đặng Thị Nga, Điện Biên, bị hàm oan tội giết chồng được bồi thường 5,7 tỉ đồng; cụ ông 97 tuổi ở Vĩnh Phúc được 1,167 tỉ đồng tiền bồi thường cho 833 ngày bị bắt oan về tội giết người;...
Một số vụ án khác như ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), mang án oan giết người, bốn lần bị tuyên án tử hình vẫn chưa hoàn tất thương lượng bồi thường. Luật sư và ông Long vẫn đang quá trình thương lượng với toà án.