Nhân duyên nào đưa chị đến với các vụ án oan rúng động thời gian qua?
Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thấy động lòng khi thấy bạn bè bị chèn ép hay bị ai đó bắt nạt. Trước khi làm luật sư, tôi đã say mê với các vụ án, nhất là các vụ án mà đương sự kêu oan, sai. Mỗi khi tiếp cận, chỉ cần thấy có một số các dấu hiệu không phù hợp với các chứng cứ khác ở trong hồ sơ vụ án, ngay lập tức tôi bị thu hút và đam mê tìm hiểu. Tôi cũng không nhớ rõ nhân duyên từ khi nào, nhưng từ khi làm luật sư (năm 2000), tôi đã theo đuổi các vụ án khó, có những vụ án hiện trường tận ngoài đảo xa xôi hay các vụ án ngoại tỉnh, tôi cũng không nề hà.
Với tôi, trong mỗi một vụ án, kể từ khi mới tiếp cận, tôi luôn nhắc nhở các luật sư trong văn phòng của mình là phải nghiên cứu mọi góc cạnh một cách tỉ mỉ, thận trọng, không bỏ sót bất cứ chi tiết bất minh nào, kể cả các chứng cứ có vẻ như khách quan, nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác để đặt ra các câu hỏi.
Đã có nhiều phiên tòa, Hội đồng Xét xử chấp nhận đề nghị của tôi trả lại hồ sơ vụ án điều tra bổ sung hay hủy án để điều tra lại. Điển hình là vụ án Hàn Đức Long. Bốn bản án đều khẳng định ông này giết và hiếp cháu bé, sau đó bế nạn nhân trên quãng đường dài gần 2km xuyên qua cánh đồng bắp, mương nước rồi quay trở về chỉ với thời gian 19 phút... Ngay sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư với hình phạt tử hình, vợ của ông Hàn Đức Long trực tiếp gặp tôi và trình bày toàn bộ chứng cứ và các bản án.
Tôi bắt đầu nghiên cứu thì phát hiện rất nhiều điểm nghi vấn. Điểm đầu tiên thôi thúc tôi và các đồng nghiệp về tận hiện trường, gặp bị hại và thực nghiệm điều tra để xem với khoảng thời gian 19 phút thì có đủ để thực hiện hàng loạt hành vi mà ông Long bị cáo buộc hay không? Hay quá trình thu thập chứng cứ, chúng tôi bị những nhóm người đứng ở đầu làng lấy đá đuổi ném, không cho làm việc. Để tránh bị nhóm người tấn công, tôi và các đồng nghiệp phải thuê xe ôm đi vào, giả vờ là người dân trong thôn, thậm chí phải nhờ công an xã đưa đi. Chúng tôi đã đi bộ qua cánh đồng, mương suối để đến hiện trường nên có thể khẳng định các khoảng thời gian trên không thể thực hiện được các hành vi như trong bản án đã nêu. Kết quả cho thấy đối tượng Long không phải là thủ phạm hiếp, giết cháu bé và được minh oan.
Giải quyết án oan luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tâm huyết cũng như sự hiểu biết mà không phải bất cứ luật sư nào cũng có thể thực hiện được. Yếu tố nào giúp chị cùng thân chủ thành công?
Điều đầu tiên là kinh nghiệm nghiên cứu vụ án, tiếp đó là phải tư duy lô-gíc đầy đủ trên phương diện khoa học hình sự, khoa học pháp lý. Một yếu tố khác là thời điểm để LS thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ, được sự giúp đỡ của những cán bộ có tâm huyết... Bên cạnh đó, LS cũng phải lắng nghe thân chủ, gia đình của họ, thậm chí là hàng xóm để xem động cơ, mục đích gây án của họ là gì. Vụ Hàn Đức Long, chúng tôi phải trực tiếp đến gia đình bị hại, qua những lời kể của gia đình, chúng tôi càng thêm niềm tin nội tâm Hàn Đức Long không phạm tội.
Theo chị, khó khăn lớn nhất khi tham gia các vụ án oan là gì?
Quá trình tiếp cận các vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, các vụ án oan đã qua nhiều cấp xét xử. Có những vụ án khi mới tiếp xúc thì thấy rằng cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã làm kỹ rồi, tòa xét xử và trả hồ sơ nhiều lần rồi thì LS còn gì nữa mà làm. Nếu không có kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ, niềm tin nội tâm thì chắc chắn sẽ bỏ qua.
Vụ án của gia đình cụ Đặng Thị Nga ở Điện Biên là một trong những vụ khiến tôi ám ảnh. Một người phụ nữ gần 80 tuổi cùng 2 người con trai hơn 30 năm mang án oan sát hại chồng, cha. Trong số này, một anh đã mất vì sinh bệnh nhưng trước khi chết đã khắc dòng chữ “đời oan trái” lên tay và nói khi nào được minh oan sẽ xóa. Nhưng đến khi mất, anh vẫn không có cơ hội được làm điều đó. Sau khi báo chí cùng luật sư tham gia thì vụ án đã được sáng tỏ, Cơ quan gây oan sai đã phải công khai xin lỗi và phải thoả thuận bồi thường cho đương sự.
Với kinh nghiệm của mình, chị có chia sẻ gì đến những người đang vướng vào các vụ án có dấu hiệu oan, sai tương tự?
Đối với những gia đình có người bị oan sai, hơn ai hết họ là người tiếp xúc với người thân và vụ việc từ đầu. Do đó họ phải có quyết tâm, có niềm tin và đặc biệt là không nản chí đi gặp gỡ tư vấn từ những người có kiến thức pháp luật. Nên tìm đến một tổ chức hành nghề luật sư đủ tin cậy để họ tư vấn, đưa ra những phương án hợp lý để minh oan.
Khi tiếp cận vụ án, luật sư phải lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư nguyện vọng, mấu chốt của vụ án, khúc mắc của người đang bị oan chưa được làm rõ, tập hợp, nghiên cứu, kiến nghị bằng cách chuyển tải lời kêu oan trên cơ sở phân tích, đánh giá vụ án khách quan, toàn diện, văn minh đến các cơ quan chức năng.
Sau khi giúp minh oan thành công cho những người vô tội, tôi càng thấy mình rất đúng khi chọn công việc có thể góp phần bảo vệ công bằng xã hội. Thành quả đó là động lực giúp tôi vững vàng tin tưởng sự thật, lẽ phải và công lý luôn được tôn trọng.
Xin cảm ơn luật sư.