Trầm cảm là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự thất vọng, buồn phiền, chán nản của bản thân trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, chúng còn thể hiện sự giảm hứng thú, xuống tinh thần và giảm niềm tin vào cuộc sống, giảm đức tin trong đời sống tinh thần.
Đối với bản thân người đang trải qua trạng thái trầm cảm có thể cảm thấy tự ti, vô vọng, giảm sự tự tin ở chính bản thân mình.
Thống kê có khoảng hơn 350 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh trầm cảm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Mỹ), xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng có nhiều ca tự sát do trầm cảm gây ra.
Ở Việt Nam, số người mắc trầm cảm đang tăng nhanh, theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Dưới đây là những lầm tưởng thường gặp về trầm cảm.
Nội dung
1. Trầm cảm không phải là một vấn đề về sức khỏe
2. Trầm cảm có di truyền nên bố mẹ bị trầm cảm con sẽ mắc căn bệnh này
3. Nam giới không mắc trầm cảm
4. Nghĩ hay nói về chứng trầm cảm sẽ làm bệnh nặng lên
5. Khi mắc trầm cảm ai cũng đều có ý định tự tử
6. Trầm cảm là tình trạng tâm lý "buồn" và có thể tự khỏi
7. Công việc bận rộn có thể chữa khỏi trầm cảm
8. Những người trầm cảm đều có biểu hiện giống nhau
1. Trầm cảm không phải là một vấn đề về sức khỏe
Một số người cho rằng trầm cảm không phải là một bệnh lý mà là một vấn đề trạng thái tâm lý. Nhiều người còn cho rằng những người mắc chứng trầm cảm là cố tình tỏ ra buồn bã và làm quá vấn đề lên.
Thực tế cho thấy trầm cảm là một nhóm bệnh rất phổ biến, chiếm tới 25% dân số. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, từ thiếu niên cho đến người già. Đặc biệt, số phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nam giới từ 2-3 lần, do nội tiết tố và việc sinh nở.
Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson. Đáng lưu ý khi có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ.
Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người có ý định tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó. Trầm cảm chỉ thực sự được quan tâm vào một vài năm gần đây khi mà người ta thấy rằng tỷ lệ người tự sát ngày càng tăng cao đặc biệt là ở giới trẻ, và thủ phạm dẫn đến những cái chết thương tâm này không ai khác chính là trầm cảm.
2. Trầm cảm có di truyền nên bố mẹ bị trầm cảm con sẽ mắc căn bệnh này
Một số người vẫn còn quan niệm nếu bố mẹ, anh em, họ hàng mắc trầm cảm thì con cái họ cũng sẽ mắc căn bệnh này. Và bản thân những người mắc trầm cảm cũng lo sợ như vậy. Điều này cũng chưa hẳn đúng vì không phải trường hợp nào cũng vậy mà chỉ có nguy cơ bị trầm cảm nếu gia đình có tiền sử trầm cảm.
Ngay cả các chuyên gia cũng không chắc chắn về vai trò của di truyền trong việc xác định nguy cơ trầm cảm. Trầm cảm đa phần liên quan đến môi trường sống của bạn. Đó là lý do tại sao những người có mối quan hệ gắn bó, được hỗ trợ từ gia đình và bạn bè thường ít bị trầm cảm hơn.
3. Nam giới không mắc trầm cảm
Mọi người thường cho rằng phụ nữ yếu đuối, sau sinh con mới bị trầm cảm còn nam giới thì không. Nhưng thực tế cho thấy nguy cơ trầm cảm ở nam giới và phụ nữ là như nhau. Và nhiều người biết được phụ nữ trầm cảm là do sự chia sẻ cởi mở còn nam giới không hề tỏ ra buồn bã, chán nản và thường che giấu khi mắc phải những vấn đề về sức khỏe của bản thân.
Một số nam giới thường tìm đến các hình thức giải quyết là uống bia rượu để đối phó những vấn đề khó giải quyết.
4. Nghĩ hay nói về chứng trầm cảm sẽ làm bệnh nặng lên
Khi có người thân bị trầm cảm, nhiều người cho rằng không được nói nhiều về vấn đề này. Nếu nói nhiều về vấn đề buồn chán, thuốc điều trị, vật lý trị liệu cho bệnh… hoặc các vấn đề liên quan đến căn bệnh này sẽ khiến tình trạng nặng lên. Đây là những sai lầm vì nếu khi mắc phải cảm xúc khó giải quyết, những biểu hiện chán nản cần bày tỏ hoặc những người thân yêu bên cạnh chia sẻ.
Không nên ngại ngần chia sẻ bày tỏ cảm xúc của mình cho người nghe đáng tin cậy - người yêu thương, ủng hộ và không phán xét về vướng mắc, suy nghĩ, thì nó sẽ rất có ích trong việc cải thiện tâm trạng. Trong trường hợp không thể nói với ai thì bác sĩ lý, tâm thần kinh sẽ là lựa chọn tốt cho người bệnh.
5. Khi mắc trầm cảm ai cũng đều có ý định tự tử
Khi có người thân mắc trầm cảm nhiều người lầm tưởng rằng khi đã mắc trầm cảm ai cũng đều có ý định tự tử. Tuy nhiên điều này không hẳn đúng vì hành vi tự tử chỉ xuất hiện trong giai đoạn trầm cảm nặng. Và ý định tự tử chỉ xảy ra với một số ít người trầm cảm vì trầm cảm khiến người ta không muốn hoạt động, thậm chí không muốn rời khỏi giường.
Vì vậy không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về tính chất và mức độ nghiêm trọng của trầm cảm hay sự e ngại với thuốc trầm cảm. Hãy chia sẻ và gần gũi với người thân, bạn bè để tránh trầm cảm và cần có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục và cân bằng cuộc sống là rất cần thiết.
Nếu thấy tâm trạng của mình hay người thân đang chán nản kéo dài và có ý định tự tử, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ tâm thần kinh để được hỗ trợ. Hoặc khi có các triệu chứng trầm cảm hoặc nghi ngờ người thân của mình bị trầm cảm cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm thần kinh.
6. Trầm cảm là tình trạng tâm lý "buồn" và có thể tự khỏi
Người ta lầm tưởng rằng những người bị trầm cảm chỉ đơn giản là cảm thấy buồn, hoặc buồn phiền nên dễ dàng tự khỏi nếu suy nghĩ tích cực và lạc quan. Đây là quan niệm sai lầm, thực tế trầm cảm là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phức tạp mà nỗi buồn chỉ là một trong những biểu hiện của nó.
Trầm cảm được xem là bệnh khi trạng thái cảm xúc này diễn ra trong thời gian dài, chúng kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và chúng làm rối loạn hoạt động của cơ thể (như mệt, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, đau vai gáy, sụt cân, mất ngủ...) và làm giảm chức năng học tập, sinh hoạt (như giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ, giảm sút hiệu quả và kết quả học tập), xã hội (như mất việc, mất sức, mất hứng thú lao động, làm việc...) của cá nhân đó.
7. Công việc bận rộn có thể chữa khỏi trầm cảm
Nhiều người lầm tưởng rằng công việc bận rộn sẽ cuốn đi giúp người mắc trầm cảm không còn suy nghĩ hoặc ít suy nghĩ tiêu cực nên dần dần có thể chữa khỏi trầm cảm.
Trên thực tế nếu người mắc trầm cảm làm quá nhiều việc sẽ làm tăng sự căng thẳng, mệt mỏi, giảm chất lượng các bữa ăn và giấc ngủ, từ đó làm cho chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, người mắc trầm cảm cần cố gắng sống tích cực và tập thể dục. Đi xem phim, chơi bóng hoặc một sự kiện hay hoạt động khác mà trước kia từng thích. Điều quan trọng chia những công việc lớn thành những việc nhỏ, đề ra một số ưu tiên và thực hiện những việc có thể làm trong khả năng của mình. Hãy làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời dành thời gian gặp gỡ gia đình, bạn bè.
8. Những người trầm cảm đều có biểu hiện giống nhau
Nhiều người cho rằng đã mắc trầm cảm đều có các biểu hiện giống nhau đọc được ở sách, báo hoặc ở đâu đó. Tuy nhiên điều này không hẳn đúng, không phải ai mắc trầm cảm đều có biểu hiện giống nhau như: tâm trạng buồn bã, chán nản, mất ngủ, giảm hứng thú với các hoạt động hằng ngày...
Thực tế mỗi người mắc trầm cảm có thể có biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng, độ tuổi, giới tính. Chính vì vậy, phương pháp điều trị cho các đối tượng khác nhau cũng sẽ khác nhau.
Trầm cảm xuất hiện trong đời sống hằng ngày khi cá nhân có thể đang trong hoàn cảnh: Cảm thấy tiêu cực ở bản thân hay từ môi trường. Gặp thất bại trong học tập, công việc. Không đạt được những kỳ vọng, mong đợi của bản thân, người thân hoặc môi trường công việc, xã hội. Mất mát đi người thân thiết, con vật cưng, tiền của... Trải qua hoặc đồng cảm với những vấn nạn mang tính xã hội như bệnh dịch, tai họa, thảm họa,...
Chính vì vậy, khi cảm thấy buồn chán, mất ngủ, công việc không đạt hiệu quả,... cần đến cơ sở có chuyên khoa tâm lý hoặc tâm thần kinh để được tư vấn và điều trị.