Nhấn nút báo thức lại
Chiến đấu với những cơn buồn ngủ mỗi sớm mai, nhất là ngày đầu tuần luôn là điều rất khó khăn. Tình trạng thèm ngủ vào buổi sáng thường xuất hiện ở những người thức khuya, ngủ không đủ 8 tiếng mỗi đêm. Điều này dẫn đến các hệ quả liên quan đến sức khỏe như rụng tóc, lão hóa sớm, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, giảm tập trung, tinh thần uể oải.
Để thức giấc đúng giờ, rất nhiều người thường đặt đồng hồ báo thức, nhưng khi chuông kêu sẽ tắt đi, bấm “báo lại” để ngủ thêm vài phút.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giấc ngủ, điều này lại gây tổn hại đến tim mạch và ức chế thần kinh. Nguyên nhân là khi ngủ, hệ tim mạch và thần kinh cũng có khuynh hướng ở chế độ “nghỉ ngơi”, hoạt động giảm dần. Khi bấm hẹn giờ “báo lại” nghĩa là chúng ta đang liên tục tác động vào hệ tim mạch và thần kinh, thay đổi trạng thái từ “nghỉ ngơi” sang “làm việc” trong khoảng thời gian rất ngắn. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hai cơ quan này.
Lập tức rời giường sau khi ngủ dậy
Sau khi thức giấc, cơ thể cần một quá trình để thích ứng từ trạng thái trì hoãn hoạt động khi ngủ chuyển sang sẵn sàng vận động khi thức dậy.
Khi mới ngủ dậy, lưu lượng máu lúc đó còn khá chậm, khi thay đổi trạng thái/tư thế quá nhanh sẽ khiến cho việc vận chuyển oxy đến não không kịp từ đó khiến chúng ta dễ bị chóng mặt, hoa mắt.
Kiểm tra ngay điện thoại
Thói quen cầm ngay điện thoại để kiểm tra mail, facebook sau khi thức dậy rất phổ biến. Thói quen này khiến cơ thể căng thẳng đầu ngày và có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cả ngày. Vì thế thay vì cầm chiếc điện thoại, bạn hãy thư giãn, vươn vai tập vài động tác căng duỗi, hít thở chút không khí trong lành buổi sớm mai.
Tập thể dục quá sức
Tập thể dục buổi sáng là điều nên làm, nhưng nhiều người trung niên và người cao tuổi thường tập từ khi mặt trời chưa lên, nhiệt độ không khí vẫn còn lạnh. Nếu tập quá sức cũng dễ dẫn đến mệt mỏi quá độ, không chỉ làm giảm khả năng miễn dịch mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phổi.
Nếu nơi tập thể dục buổi sáng có nồng độ khí thải công nghiệp, khí thải ô tô, khói bụi nhiều cũng ảnh hưởng đến đường hô hấp, có thể gây viêm đường hô hấp trên cấp, viêm phế quản... và các bệnh về phổi khác.
Không uống nước sau khi thức dậy
Sau khi ra khỏi giường, uống một cốc nước là điều bạn nên làm bởi nước là thứ bị "tước đoạt" trong 7 đến 8 giờ khi ngủ. Nó rất cần thiết để loại bỏ các chất độc đã tích lũy và cũng giúp thải độc gan.
Uống cà phê ngay sau khi thức dậy
Bạn luôn muốn đánh thức cơ thể thật nhanh bằng chất có chứa caffein. Tuy nhiên thói quen này về lâu dài không tốt cho sức khỏe, thậm chí khiến bạn phụ thuộc vào nhóm thực phẩm này. Cà phê sẽ làm tăng thêm axit cho dạ dày, tạo năng lượng dư thừa, khiến bạn rơi vào trạng thái bị kích thích.
Bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc bệnh dạ dày, béo phì. Tốt nhất vào bữa sáng nên dùng thực phẩm ấm nóng, bởi theo Đông y, dạ dày thích hợp tiêu hóa các thức ăn ấm nóng để hồi phục sức lực, giúp khỏe khoắn suốt cả ngày dài.
Ăn sáng nhiều dầu mỡ
Sử dụng những thực phẩm nhiều dầu mỡ vào buổi sáng không chỉ khiến chúng ta tăng cân mà còn tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi.
Ngoài ra, thức ăn nhiều dầu mỡ cũng không có lợi cho việc thải các chất độc hại trong đường hô hấp, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng ho và đờm, không có lợi cho sức khỏe của phổi.
Tắm bằng nước nóng
Nước nóng có tác dụng giúp cơ thể thư giãn rất tốt nên tắm nước nóng xong, bạn sẽ chỉ muốn "bò" về giường để ngủ tiếp thôi. Thay vào đó, tắm bằng nước mát lạnh lại giúp bạn cảm thấy sảng khoái, kích thích não bộ, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn và không khiến da bị khô ráp. Bên cạnh đó, theo nhiều nhà khoa học, những người tắm nước mát lạnh thường xuyên có thể giảm đến 4kg/ năm.