Ăn ngô bữa sáng có tốt hơn ăn cơm? Thật tiếc vì phần ngô luộc được ví như "thần dược" lại ít ai dùng

Không chỉ là thực phẩm quen thuộc, loại quả này còn có vô vàn tác dụng tốt cho cơ thể, đặc biệt nếu biết dùng đúng cách nó còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ.

Bắp ngô hay còn gọi là quả ngô xuất hiện ở mọi nơi và được bán quanh năm ở các chợ, bên hè phố... Đây cũng là thực phẩm được nhiều người sử dụng thường xuyên cho bữa sáng, bởi vừa giúp no lâu, cung cấp nhiều dinh dưỡng nhưng lại không chứa quá nhiều năng lượng.

TS.BS Từ Ngữ (Hội dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, ngô có thể dùng làm thực phẩm và chế biến dưới nhiều dạng khác như như xôi ngô, canh - súp ngô, ngô nướng, ngô luộc… Tuy nhiên, cách sử dụng tiện lợi và mang lại nhiều giá trị nhất là ngô hấp hoặc luộc.

Ông Ngữ lấy ví dụ, khi ăn ngô luộc ngoài giữ lại được nhiều dinh dưỡng thì nó còn chứa rất nhiều nước, tốt cho việc tiêu hóa. Còn nếu ăn ngô nướng, dù mùi vị khá hấp dẫn nhưng lợi ích mang lại với sức khỏe thì không bằng. Vì thế, nếu dùng ngô để ăn sáng tốt nhất nên ăn ngô luộc.

Ngô luộc vừa tốt cho tiêu hóa lại giữ được nhiều dưỡng chất. Ảnh minh họa. 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngô chứa nhiều các chất như lecithin, axit linoleic, vitamin E rất tốt cho tim mạch và mạch máu, hỗ trợ đẩy lùi quá trình lão hóa của mạch máu. Đặc biệt, trong mầm ngô chứa nhiều axít béo không no, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh trưởng và phát triển, điều hòa khả năng miễn dịch của con người, giảm lipid máu. Chất dinh dưỡng này giúp giảm sự lắng đọng cholesterol trong thành mạch máu, từ đó làm mềm mạch máu. Ngô còn rất giàu chất xơ bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan trong ngô đóng vai trò kiểm soát cholesterol xấu hiệu quả và giúp làm sạch mạch máu.

Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cũng lưu ý mọi người khi ăn ngô, nhất là ngô luộc, cần uống thêm nước luộc ngô bởi đây phần này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đó, hạt ngô chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng ngô luộc cả vỏ, lẫn cả râu ngô và nước tiết ra từ cùi ngô cũng mang lại những giá trị không kém. 

Khi luộc ngô mọi người nhớ sử dụng thêm cả phần nước để nhận nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Theo tư vấn của ông Sáng, nước luộc ngô có tác dụng cực tốt trong việc chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu. Do vậy, uống thêm một bát nước luộc ngô có thể giúp làm giảm viêm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại, nhất là với chị em thường xuyên bị viêm tiết niệu.

Không chỉ vậy, nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, người bị sỏi hay cặn thận do oxalat, photphat, carbonat tạo thành có thể dùng nước luộc ngô, nước râu ngô để giúp hạn chế khả năng tái phát và phát triển của sỏi. “Rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền trị tiểu rắt, viêm hay tiền liệt tuyến đều có vị râu ngô. Vì thế, khi dùng ngô luộc mọi người không nên đổ đi loại nước cực kỳ có lợi này”, ông Sáng khuyên.

Ngoài có lợi cho hệ tiết niệu, nước luộc ngô còn chứa nhiều chất ô xy hóa tốt cho việc loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, tăng cường chức năng gan, chức năng bài tiết và giảm tình trạng gan nhiễm mỡ. Đó là lý do vì sao những người bị mụn nhọt, phát ban, ngứa ngoài da thường được cho uống nước râu ngô để giải độc.

Cuối cùng, khi luộc ngô thì các chất dinh dưỡng như vitamin và các khoáng chất cũng được tiết ra nước rất nhiều. Do vậy, ngoài là bài thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh thì uống nước ngô còn giúp cơ thể nhận được các dưỡng chất khác.

Dù ngô có nhiều tác dụng với cơ thể, nhưng những người dưới đây không nên hoặc hạn chế sử dụng:

- Người bị tiểu đường: Ngô chứa lượng đường khá cao, nếu người bị tiểu đường ăn nhiều sẽ khiến gia tăng lượng đường trong máu. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế ăn thực phẩm này.

Khi luộc ngô không nên cho thêm đường, người tiểu đường cũng không nên ăn quá nhiều ngô. Ảnh minh họa.

- Người mắc bệnh đường tiêu hóa: Ngô chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày, do đó tốt nhất nên kiêng khi đang có vấn đề về đường tiêu hóa.

- Người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn ngô: Món này có thể tạo áp lực cho dạ dày khi chứa lượng chất xơ lớn.

- Không ăn ngô quá thường xuyên: Ngô là loại lương thực, dù có chứa một số dinh dưỡng nhưng thường ít được kết hợp với thực phẩm khác. Vì thế, nếu ăn thường xuyên, nhất là ăn sáng sẽ không đa dạng về mặt thực phẩm, khiến cơ thể dễ bị thiếu dinh dưỡng.

- Nước ngô cũng không dùng tùy tiện: Không dùng nước ngô để uống chung với bất kỳ loại thuốc nào. Hơn nữa, không dùng tùy tiện và quá liên tục, nếu dùng râu ngô để trị bệnh chỉ nên dùng trong khoảng 10 ngày rồi ngưng khoảng 1 tuần rồi dùng lại, tránh trường hợp rối loạn điện giải. Ngoài ra, tránh sử dụng loại đồ uống lợi tiểu này quá nhiều vào buổi tối sẽ khiến khó ngủ do phải đi tiểu nhiều về đêm.

LÊ PHƯƠNG.